Nghị định số 99/2003/NĐ-CP trước đây không có nội dung quy định hướng dẫn cụ thể về việc thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, Luật Công nghệ cao chỉ quy định một số nội dung khái quát về thành lập khu công nghệ cao, không có quy định về mở rộng khu công nghệ cao. Nhưng thực tiễn cho thấy như Khu Công nghệ cao TPHCM đã "đầy" và thậm chí là đang đòi hỏi phải mở rộng, xây mới thêm.
Vì vậy, các nội dung về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập, mở rộng khu công nghệ cao là các nội dung mới xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thành lập khu công nghệ cao mới cũng như mở rộng các khu công nghệ cao hiện hữu.
Thứ hai là các nhóm chính sách đối với đầu tư, xây dựng và phát triển khu công nghệ cao.
Trong dự thảo Nghị định, các chính sách trênđược đề xuất thành các nhóm khác nhau căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành về đầu tư công, ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai, lao động, môi trường, an ninh trật tự… bao gồm: Nhóm chính sách về đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghệ cao; nhóm chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; nhóm các sách khác.
Những nhóm chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để thu hút đầu tư. Bởi nếu hành lang pháp lý không đầy đủ, không tạo thuận lợi cho các khu công nghệ cao thì sẽ dẫn tới một trong 2 tình trạng: Cố thu hút đầu tư nhưng sau này có thể vi phạm các quy định của pháp luật; hoặc là không thu hút được và nảy sinh nhiều dự án treo.
Vì vậy, để thể hiện một cách tổng thể, có hệ thống các cơ chế, chính sách ưu đãi, giúp nhà đầu tư thuận tiện trong việc tìm hiểu, tiếp cận chính sách, dự thảo Nghị định quy định lại một số chính sách ưu đãi đã được quy định rải rác tại các Nghị định khác của Chính phủ.
Dự thảo Nghị định cũng quy định các chính sách đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao, chính sách đối với doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghệ cao trên cơ sở thực tiễn quy định và triển khai tại các khu công nghiệp.
Thứ ba là các hoạt động công nghệ cao trong khu công nghệ cao. Dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa quy định liên quan đến các hoạt động công nghệ cao trong khu công nghệ cao. Đây là các quy định có tính chất đặc thù nhằm phân biệt khu công nghệ cao với một số loại hình khu khác như khu công nghiệp, khu kinh tế… trong đó nhấn mạnh yếu tố liên quan đến khoa học và công nghệ, công nghệ cao.
Tại dự thảo Nghị định, việc cụ thể hóa các loại hình hoạt động (các hoạt động này thể hiện dưới hình thức dự án đầu tư) cũng như làm rõ khung tiêu chí và tiêu chí cụ thể với một số loại hình sẽ đảm bảo đủ hành lang pháp lý thu hút đầu tư cho các loại hình dự án khác nhau vào khu công nghệ cao phục vụ mục tiêu phát triển khu công nghệ cao.
Các quy định về hoạt động công nghệ cao nhằm xác định rõ các hoạt động này phù hợp triển khai trong khu công nghệ cao. Theo đó, dự thảo Nghị định đồng thời quy định một số loại hình dự án đầu tư cụ thể trong khu công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc và tiêu chí tương ứng khi đầu tư trong khu công nghệ cao.
Thứ tư lànâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu công nghệ cao.
Hiện nay, Ban Quản lý khu công nghệ cao chưa có đầy đủ thẩm quyền để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhằm đẩy nhanh sự phát triển khu công nghệ cao, đặc biệt khi phải chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn khu công nghệ cao, bao gồm: Quy hoạch, xây dựng, môi trường, đầu tư, lao động, an ninh trật tự … Ban Quản lý hiện chỉ được một số bộ, ngành, địa phương ủy quyền trên một số mặt nên công tác quản lý chưa toàn diện, chưa thực hiện được cơ chế một cửa trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Theo dự thảo Nghị định, việc phân cấp, ủy quyền của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh cho Ban quản lý khu công nghệ cao được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo sự ổn định, tạo điều kiện thực hiện cơ chế hành chính "một cửa tại chỗ", hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong khu công nghệ cao nhưng đồng thời phải phù hợp với năng lực, trình độ tổ chức của Ban quản lý khu công nghệ cao.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý khu công nghệ cao, dự thảo Nghị định quy định các nội dung liên quan đến đầy đủ các lĩnh vực tài chính, quy hoạch và xây dựng, đất đai, đầu tư, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, lao động, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, thanh tra, kiểm tra, giám sát…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lê Hùng đánh giá, việc xây dựng một Nghị định chung cho các khu công nghệ cao là một việc khó, phức tạp. Bởi các nội dung quản lý nhà nước đối với khu công nghệ rất rộng, bao phủ rất nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau nên sẽ vẫn còn nhiều nội dung chưa giải quyết được trong Nghị định này. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục xây dựng báo cáo, đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh cho hoạt động của các khu công nghệ cao.