Dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo Trường THPT Trưng Vương, Quận 1 vừa được HĐND TPHCM thông qua tại Kỳ họp tháng 9/2023. Trong ảnh là Trường THPT Trưng Vương được sửa chữa tháng 11/2020. Ảnh: Lê Nam |
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM giải thích thắc mắc liên quan đến quy định về đầu tư, đất đai. Theo ông Nam, doanh nghiệp giáo dục cần xác định việc đầu tư lĩnh vực này là lâu dài, không thể thu hồi vốn trong thời gian ngắn. Thành phố và ngành Giáo dục cũng nhận thấy khó khăn của doanh nghiệp và sẽ từng bước tháo gỡ.
Thông tin về nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục của TPHCM thời gian tới, ông Lê Hoài Nam cho biết, HĐND TPHCM sắp ra nghị quyết để kêu gọi đầu tư theo đối tác công - tư (PPP). Theo đó, Nhà nước bỏ đất để đơn vị tư nhân đầu tư, vận hành một thời gian hoặc toàn bộ; mức đầu tư một dự án phải trên 100 tỷ đồng.
Sở GD&ĐT đang hoàn thiện đề án xây dựng trường học từ nay đến năm 2025. Dự kiến, các quận, huyện sẽ có hơn 100 dự án trường học kêu gọi đầu tư xã hội hóa; trong đó, 86 dự án có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Sau khi được thành phố phê duyệt đề án, sở GD&ĐT sẽ thông tin cụ thể các dự án để nhà đầu tư tham gia. Về vốn, doanh nghiệp có thể tiếp cận gói kích cầu đầu tư; chỉ phải trả gốc, không lãi suất trong 7 năm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định vai trò quan trọng của trường ngoài công lập với ngành GD-ĐT TPHCM. Khối ngoài công lập chia sẻ áp lực về chỗ học cho người dân trong bối cảnh dân số, số học sinh thành phố đều tăng qua từng năm. Đặc biệt ở mầm non, tỷ lệ đóng góp của các trường ngoài công lập hơn 50%. Cơ sở ngoài công lập cũng đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân với nhiều phân khúc, loại hình.
Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị nhà đầu tư thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đang hoạt động. Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập trực thuộc sở được giao tổ chức họp giao ban định kỳ với đơn vị ngoài công lập, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương mới từ bộ, ngành.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu sở GD&ĐT mở thêm các kênh tiếp nhận thông tin, thường xuyên có phản hồi cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này. Theo ông Dương Anh Đức, thành phố có nhu cầu lớn trong thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục, mong muốn tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm tới vấn đề này.
UBND TPHCM đã xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao - văn hóa, sẽ trình HĐND TPHCM thông qua. Trong đó, với dự án đầu tư xây dựng trường lớp, quy mô đầu tư mỗi dự án từ 100 tỷ đồng trở lên.