Văn hóa đọc ở vùng cao Lai Châu từng bước đi vào chiều sâu, thiết thực, góp phần nâng cao dân trí, xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin khiến sách dường như bị “bỏ quên”. Ngoài ra, do điều kiện cơ sở vật chất của hệ thống thư viện công cộng còn thiếu và xuống cấp, chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện nên số lượng bạn đọc đến thư viện còn hạn chế.
Trước thực trạng trên, hệ thống thư viện công cộng tỉnh Lai Châu đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút bạn đọc và tham gia các hoạt động tại thư viện
Ông Nguyễn Khắc Thái - Giám đốc Thư viện tỉnh Lai Châu cho biết: “Năm 2024, hệ thống thư viện công cộng tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng thói quen đọc và phục vụ nhu cầu đọc. Đơn vị đã cấp mới và đổi 800 thẻ bạn đọc. Lượt bạn đọc đến với thư viện và các hoạt động của hệ thống thư viện với khoảng 83.000 lượt, trong đó, đến thư viện nghiên cứu tài liệu bằng truy cập mạng máy tính hơn 10 nghìn lượt; đến với hoạt động của thư viện trên 70.000 lượt.
Mạng lưới thư viện tỉnh Lai Châu gồm hệ thống thư viện công cộng (1 thư viện tỉnh, 8 thư viện huyện, thành phố); hệ thống thư viện, tủ sách chuyên ngành gồm 108 tủ sách pháp luật tại UBND các xã, phường, thị trấn; 158 tủ sách tại các bản, khu phố, 1 thư viện và 13 tủ sách thuộc Biên phòng tỉnh; 208 thư viện trường học và cơ sở dạy nghề, 1 thư viện, 2 tủ sách thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, 2 thư viện thuộc Công an tỉnh, 15 tủ sách điểm Bưu điện Văn hóa xã.
Theo đánh giá của Thư viện tỉnh Lai Châu, cơ bản hoạt động thư viện đáp ứng tốt nhu cầu học tập, giải trí của người dân trên địa bàn. Hiện nay, hệ thống thư viện công cộng tỉnh có 150.000 bản sách. Trong đó, thư viện tỉnh có 79.000 bản, thư viện huyện có 71.000 bản sách.
Đặc biệt, từ ngày 1/3, Thư viện tỉnh Lai Châu đã triển khai Thư viện điện tử, tạo thuận lợi cho độc giả trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin mọi lúc, mọi nơi, góp phần phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ngày 18/4, Thư viện tỉnh Lai Châu phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè tổ chức lớp tập huấn chuyên đề “Chuyển đổi số Thư viện; Xu hướng ứng dụng công nghệ trong Thư viện; Sử dụng hệ thống quản trị Thư viện dùng chung Vietbiblio và Thư viện điện tử Lai Châu'' cho lãnh đạo và cán bộ phụ trách thư viện các trường học tiểu học trên địa bàn huyện Mường Tè.
“Với những lợi ích và hiệu quả của phần mềm, miễn phí, dễ sử dụng… các thư viện trường học sẽ ứng dụng vào thực tế để phục vụ ngày càng đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Đây cũng là dịp cán bộ tham gia lớp tập huấn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mạng lưới thư viện trường học hoạt động chất lượng, đồng bộ, hiện đại” – ông Nguyễn Khắc Thái cho biết.
Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc lần thứ IV, năm 2025, Thư viện tỉnh Lai Châu cũng đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các thư viện trong mạng lưới tổ chức các hoạt động truyền thông về sách và văn hóa đọc. Tổ chức cuộc thi “Vẽ tranh theo sách” lần thứ VII; phối hợp tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”. Cùng với đó, trưng bày triển lãm, phục vụ sách lưu động tại các trường học và địa phương.
Ngày 16/4 vừa qua, tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 với các thông điệp: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”.
Các hoạt động hưởng ứng tập trung vào tuyên truyền thường xuyên tại cộng đồng và tổ chức đợt cao điểm từ ngày 15/4 đến hết ngày 2/5/2025; tuyên truyền sáng tạo trên mạng xã hội và nền tảng số về “Sách thay đổi bạn thế nào?”; chia sẻ ảnh, video về một cuốn sách truyền cảm hứng sáng tạo...
Phát biểu tại lễ phát động, ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu đánh giá: Văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đáng ghi nhận; 100% xã đã có tủ sách và các điểm bưu điện văn hóa xã. Mạng lưới thư viện trường học, phòng đọc tại các đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan, đoàn thể, nhà sách tư nhân… được phát triển ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận sách dễ dàng hơn, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa đọc.
“Sách không chỉ là phương tiện chứa đựng tri thức, mà còn là “liều thuốc bổ” cho tâm hồn, là tấm gương soi chiếu nhân cách con người. Văn hóa đọc không chỉ là một thói quen cá nhân, mà còn là nền tảng của một xã hội học tập, một quốc gia phát triển bền vững” – ông Tống Thanh Hải nhận định.
Để việc đọc sách phát huy hiệu quả, Trường THCS Giang Ma (huyện Tam Đường) đã phân công cụ thể cho nhân viên thư viện duy trì việc sắp xếp, quản lý các đầu sách. Đồng thời, hướng dẫn cho các thầy, cô giáo, học sinh lựa chọn, mượn sách. Học sinh tham gia đọc sách giờ ra chơi, ngoài giờ lên lớp và buổi tối đối với học sinh bán trú. Giáo viên khuyến khích các em viết cảm nhận về nội dung cuốn sách đã đọc, tạo động lực để các em tích cực đọc, rèn kỹ năng viết và thể hiện suy nghĩ, kỹ năng sống.
Em Ma Thị Sú - Học sinh lớp 9A2, Trường THCS Giang Ma chia sẻ: “Mỗi ngày, em tranh thủ xuống thư viện đọc sách khoảng 30 phút. Thông qua việc đọc sách, em tiếp thu được nhiều kiến thức vô cùng quý giá, phục vụ cho việc học tập và cuộc sống”.
Cô Nguyễn Thị Duyên, nhân viên Thư viện Trường THCS Giang Ma cho biết: “Tôi luôn tâm huyết với việc lan tỏa văn hóa đọc thư viện nhà trường. Các em có thể đọc sách vào những giờ ra chơi giữa các tiết học và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Bên cạnh đó, thư viện cũng cho học sinh mượn sách về nhà đọc, đặc biệt là học sinh bán trú để các em tham gia đọc sách vào buổi tối”.
Những năm qua, Trường Tiểu học và THCS Hồ Thầu, huyện Tam Đường thường xuyên đẩy mạnh phát triển văn hoá đọc trong nhà trường.
Ông Nguyễn Bình Diên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2024-2025, trường có 20 lớp, 498 học sinh, chủ yếu là con em người Dao. Hiện nay, nhà trường có thư viện trường học và 1 thư viện cộng đồng với khoảng 2.000 đầu sách. Thư viện cộng đồng nhà trường mở cửa vào các ngày trong tuần để phụ huynh và các em vào đọc. Còn thư viện nhà trường mở cửa vào thứ 2, 4, 6, ngoài ra, học sinh còn được mượn sách mang về”.
Hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc năm nay, Trường Tiểu học và THCS Hồ Thầu tổ chức 2 cuộc thi: “Cảm nhận về một cuốn sách hay” và “Cha mẹ đọc sách cùng con”.
“Thông qua các cuộc thi đã góp phần phát triển văn hoá đọc cho học sinh, hình thành thói quen, sở thích, kỹ năng đọc cũng như cảm nhận sách nhằm xây dựng, phát triển, lan tỏa phong trào đọc sách trong nhà trường và cộng đồng. Từ đó, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho giáo viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn” – ông Nguyễn Bình Diên chia sẻ.