Thấu hiểu trò để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp

Thanh An | 13/03/2022, 14:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với mong muốn thấu hiểu, sẻ chia để đem đến cho học sinh niềm vui từ học tập, nhiều thầy cô giáo tại Tuyên Quang đã đặt mình vào hoàn cảnh của trò, dạy học với tất cả tâm huyết và trách nhiệm.

Cô Đặng Thị Hà (trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Na Hang, Tuyên Quang) đến nhà hướng dẫn trò học bài .Cô Đặng Thị Hà (trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Na Hang, Tuyên Quang) đến nhà hướng dẫn trò học bài .

Muốn chia sẻ, cần lắng nghe

Tại trường tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang), hòm thư “Điều em muốn nói” đang là một địa chỉ được các bạn nhỏ rất yêu mến, tin cậy. Rất nhiều câu chuyện, mong muốn, suy ngẫm được học trò viết ra trang giấy để thầy cô có thể hiểu các em hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Huế, Tổng Phụ trách Đội, trường Tiểu học Hồng Thái là người trăn trở để xây dựng ý tưởng và đề xuất nhà trường “mở” hòm thư. Theo cô Huế, những bày tỏ của học sinh thông qua hòm thư tưởng chừng giản đơn, nhưng chính là một cơ sở quan trọng để thầy cô thấu hiểu và có những phương pháp giáo dục phù hợp.

“Mô hình được triển khai đã giúp nhà trường nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học trò, kịp thời chia sẻ và giải quyết những khó khăn mà các em khó nói”, cô Huế chia sẻ.

Các cô giáo trường Tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang) đọc thư của học trò để hiểu thêm điều các em muốn nói.

Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, nhà trường đã nhận được hơn 800 lượt thư của học sinh, với những tâm tư, tình cảm mà các em cảm thấy khó nói trực tiếp với thầy cô hay gia đình. Học sinh nhà trường rất hưởng ứng mô hình này, nhiều em còn dành thời gian để trang trí, vẽ lên những bức thư trước khi gửi đi.

Hòm thư không chỉ giúp các em được bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình mà còn thực sự cần thiết cho nhà trường và gia đình trong giáo dục học sinh. Sự ngây thơ, trong sáng của các em được thể hiện qua những lá thư xinh xắn, giúp cho tình thầy, trò trở nên gần gũi, thân thiết hơn.

“Mẹ đi chống dịch tại Hà Nội, em ở nhà với bố và ông nội. Dù rất nhớ mẹ nhưng em không dám khóc để mẹ có thể yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Em gửi những mong ước của mình vào lời viết, em mong dịch bệnh sẽ qua đi, mong mẹ sớm trở về nhà” - Nguyễn Bảo Ngọc( học sinh lớp 5B) bày tỏ về những điều mình viết gửi vào hòm thư đặc biệt của nhà trường.

Sát sao hỗ trợ học trò

Tại trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Na Hang, giáo viên nhà trường luôn xác định ngoài dạy học trên lớp còn cần sát sao hỗ trợ các em nhiều vấn đề trong đời sống hằng ngày. Một trong những giáo viên luôn hết lòng trong việc quan tâm giúp đỡ học trò là cô giáo Đặng Thị Hà.

Dạy học trong một ngôi trường đặc thù với nhiều học trò hoàn cảnh khó khăn, trong quá trình giảng dạy, cô Hà luôn hết mực quan tâm, yêu thương chăm sóc học sinh, đặc biệt là các em người dân tộc thiểu số thuộc địa bàn gặp nhiều thiệt thòi.

Cô Đặng Thị Hà (trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Na Hang) tặng chăn ấm cho học trò

“Tôi luôn nghĩ rằng, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, phối hợp cùng đồng nghiệp và phía gia đình để có phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả là điều đặc biệt quan trọng. Có những em rất thiệt thòi, vất vả, nếu mình không đặt vào hoàn cảnh cụ thể từng học trò thì khó có thể giúp các em học tập tốt”, cô Hà bộc bạch.

Ngoài việc truyền đạt một cách thân thiện, giản dị, dễ hiểu trên lớp để học sinh tiếp cận bài học thuận lợi, cô Hà còn chủ động, tự nguyện bố trí thêm thời gian để hướng dẫn, bổ trợ thêm ngoài giờ cho những em chưa nắm vững kiến thức. Với những trường hợp gia đình chưa sát sao việc học của con, cô Hà đến tận nhà để tìm hiều, trao đổi, tháo gỡ.

Biết gia đình còn khó khăn, cô Hà dành tặng những khoản hỗ trợ kịp thời. Khi là chiếc chăn ấm mùa đông, khi là khoản tiền nhỏ mua thêm sách vở học tập. Những món quà của cô giáo là niềm động viên lớn, là tình cảm yêu thương mà học trò chính là người cảm nhận được rõ nhất.

“Em được cô Hà đến tận nhà cho thêm tài liệu, hướng dẫn cách học bài, dạy cho những chỗ em còn thấy khó. Nếu không có những buổi như thế, chắc em sẽ khó theo được hết các bài học”, Bàn Tứ Quý (học sinh lớp 9A) cảm động nói về cô giáo của mình.

Chia sẻ về cô giáo Hà, em Bàn Thị Anh Thư (học sinh lớp 8A) kể lại: “Biết gia đình em khó khăn, cô mua chăn ấm tặng và còn đông viên em yên tâm cố gắng học tập. Cô luôn lo lắng cho chúng em, cả việc học tập cũng như những chuyện hằng ngày”.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấu hiểu trò để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp