Giáo viên chỉ định hướng, gợi mở
Chia sẻ quan điểm sau 5 lần hướng dẫn học sinh NCKH thì 3 lần các dự án đoạt giải cao tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, quốc gia tham gia, thầy Phạm Văn Điệp, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai), cho rằng: Để hướng dẫn hiệu quả, trước hết học trò phải tìm được đề tài hay, thiết thực (xuất phát từ cuộc sống, vấn đề thời sự…).
Quá trình hướng dẫn, giáo viên với kinh nghiệm của mình đưa ra những câu hỏi phản biện để học trò trả lời. Những câu hỏi có thể xuất phát từ vấn đề học sinh đang vướng mắc để buộc các em suy nghĩ tìm câu trả lời. Giải quyết được câu hỏi phản biện của thầy giáo đồng nghĩa học sinh được học hỏi, nghiên cứu sâu hơn kiến thức và từ đó tiếp tục tìm hiểu vấn đề sâu hơn.
Trong hướng dẫn học sinh NCKH, giáo viên luôn đóng vai trò phản biện để học sinh đi tìm lời giải cho bài toán thỏa đáng nhất. Quá trình phản biện giúp học sinh thấy được bản thân đang thất bại ở đâu, thiếu kiến thức gì… để tự bồi đắp, tìm hiểu, nghiên cứu, suy nghĩ… cho ra hướng tối ưu.
Khi dự án, vấn đề đi vào bế tắc, giáo viên có thể bằng kinh nghiệm để gợi mở, dẫn dắt học trò tìm lời giải đáp, song tuyệt đối không làm hộ. Thậm chí, biết chấp nhận thất bại của học sinh để cả thầy và trò học thêm nhiều bài học từ thất bại.
Thầy Nguyễn Mạnh Tú, Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình), chia sẻ kinh nghiệm: Khi “bắt tay” vào hướng dẫn học trò NCKH cần tìm hiểu kỹ ý tưởng đề tài của học trò ra sao, xuất phát từ đâu? Sau đó hướng tìm kiếm thông tin liên quan và kết hợp với điều kiện có sẵn trong phòng thí nghiệm mới bắt tay vào triển khai.
Giáo viên kề cận với học sinh nhưng chỉ làm nhiệm vụ định hướng, gợi mở để triển khai đề tài. Chỗ nào vướng thì hướng dẫn học trò tìm thêm thông tin từ các nguồn khác nhau để hoàn thiện.
Trong quá trình hướng dẫn, nhiều khi quan điểm khoa học của thầy và trò không gặp nhau, thậm chí mâu thuẫn đối lập. Nhưng vẫn phải tôn trọng ý kiến của học trò, bởi kết quả cuối cùng mới là câu trả lời các em đúng hay sai. Nhiều khi đi theo hướng của thầy thì thất bại nhưng của học trò lại thành công...