Cô Nguyễn Thị Định, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Biết sẽ còn những đợt rét đậm, tôi đã kết nối với 2 đoàn từ thiện để xin hơn 200 bộ quần, áo ấm. Ngoài ra, còn có hàng trăm đôi găng tay, tất và dép lê cho học sinh. Mỗi lần xin được là chúng tôi vui lắm. Bởi phần nào cũng đã chia sẻ được với khó khăn mà các em đang phải trải qua”.
Khoác trên mình chiếc áo mới nhận được, em Lý Lở Mẩy (học sinh lớp 9A, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS xã Bản Lang) chia sẻ: “Em ở bản Nậm Lùng, điểm bản xa nhất của trường nên được ở bán trú. Hàng năm, em đều được tặng áo ấm mới nên vui lắm! Em cảm ơn thầy cô rất nhiều!”.
“Khám bệnh” ông trời
Mỗi ngày, thầy Đô đều ra ra, vào vào với chiếc điện thoại trên tay. Thầy cập nhật thường xuyên diễn biến của thời tiết. “Nhiệt độ nay ấm hơn rồi, chắc phải hơn hôm qua mấy độ. Trời cũng không còn mưa nữa nên việc học sẽ sớm tổ chức trở lại. Những ngày rét vừa qua, chúng tôi chỉ tổ chức dạy buổi sáng, còn chiều thì nghỉ. Mọi hoạt động ngoại khóa, ngoài trời đều tạm dừng” – thầy Đô cho biết.
Cũng theo thầy Đô, đối với cấp tiểu học, trường sẽ cho học sinh nghỉ khi nhiệt độ dưới 10 độ C. Còn cấp THCS được nghỉ khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C. Chính vì vậy, cập nhật, theo dõi thời tiết phải chủ động từ hôm trước để thông báo tới gia đình học sinh.
“Giờ có điện thoại, công nghệ thông tin cũng như máy đo nhiệt độ ngoài trời, nên từ hôm nay đã biết được thời tiết của ngày mai. Vì thế, trường hoàn toàn chủ động được để điều chỉnh kế hoạch phù hợp, kịp thời, không gây phiền toái cho học sinh” – thầy Đô nói.
Tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Thu Lũm (huyện Mường Tè) thời gian gần đây, mỗi buổi sáng, tiết 1 của trường vào muộn hơn so với ngày thường. Theo thầy Lỳ Xừ Po, Hiệu trưởng nhà trường, phải điều chỉnh như vậy, bởi ở đây nhiệt độ vốn thấp hơn các vùng lân cận. Mùa đông, buổi sáng sớm tiết trời còn khắc nghiệt hơn, ai ai cũng cảm thấy rét thấu xương. Vì thế, trường không thể tổ chức dạy – học theo khung giờ cũ để học trò khỏi lạnh.
“Chúng tôi giao quyền quyết định lịch học cho các trường chủ động, vì đặc thù của tiểu vùng khí hậu khác nhau. Vì thế, các trường đều phải theo dõi thời tiết để điều chỉnh. Ngoài ra, phòng cũng yêu cầu các trường chủ động gia cố, che chắn phòng ở, phòng học tại tất cả điểm trường để tránh gió lùa. Đồng thời, bảo đảm để tất cả học sinh ăn đủ no, có đủ dinh dưỡng để có sức khỏe tốt học tập” – ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè nói.