Đội ngũ nhân viên không trực tiếp đứng lớp dạy học, nghiễm nhiên họ không phải là thầy giáo, cô giáo. Thế nhưng, các em học sinh và xã hội vẫn thường gọi họ là “thầy, cô”, bởi sự cống hiến thầm lặng cho ngành Giáo dục.
Theo chị Bùi Thị Tố Loan, nhân viên Văn thư Sở GD&ĐT Đắk Lắk, là đầu mối đến - đi của tất cả các loại công văn, giấy tờ liên quan đến cơ quan, đơn vị và toàn ngành, hàng ngày bản thân chị cũng như anh chị em ở cơ sở phải xử lý khối lượng công việc lớn.
“Nếu xử lý chậm, đồng nghĩa với việc lãnh đạo gặp khó khăn trong việc chỉ đạo, điều hành các hoạt động dạy học. Bên cạnh hệ thống văn bản điện tử, vẫn còn các văn bản giấy theo đặc thù, vì vậy chúng tôi phải đi sớm, về muộn, thậm chí làm thêm vào ban đêm mới kịp tiến độ. Ngoài ra, còn phải hỗ trợ các phòng ban chuyên môn trong việc xử lý các công việc liên quan đến hồ sơ công vụ và các sự vụ phát sinh đột xuất khác”, chị Loan chi sẻ.
Còn theo chị Nguyễn Thị Phương, nhân viên kế toán, Trường THPT Nguyễn Thái Bình (huyện Ea Kar), với vai trò tham mưu chính cho lãnh đạo nhà trường trong công tác quản lý tài chính, ngoài việc có chuyên môn, nghiệp vụ đúng vị trí việc làm, còn phải am hiểu chính sách của Nhà nước về lĩnh vực giáo dục.
“Để giúp Hiệu trưởng nhà trường thực hiện tốt chức năng tổ chức, quản lý trong công tác tài chính, hàng tháng, hàng quý phải xây dựng kế hoạch chi tiết. Bảo đảm chế độ tiền lương, phụ cấp, khen thưởng và chế độ chính sách cho học sinh, giáo viên đúng đủ, kịp thời. Ngoài ra còn phải thực hiện các nhiệm vụ công vụ đột xuất, nhiệm vụ mới do nhà trường phân công”, chị Phương chia sẻ về “cái nghiệp” của mình.
Cũng theo chị Phương, khi nhà trường thực hiện tốt chính sách sẽ động viên tinh thần thầy cô giáo và học sinh thi đua dạy tốt học tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Nói về những “thầy cô” không đứng trên bục giảng, bà Lê Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho biết, đội ngũ nhân viên, ngoài việc thực hiện công việc theo vị trí việc làm được phân công thì họ còn phải làm nhiều việc khác nữa theo đặc thù của từng trường học. Những công việc họ làm tất cả đều phục vụ cho công tác dạy và học của nhà trường.
“Là người đứng đằng sau “sân khấu” hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho giáo viên hoàn thành tốt công việc của mình. Kết quả giáo dục của mỗi nhà trường hàng năm sẽ không thể thiếu sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ nhân viên thiết bị, văn thư, kế toán, bảo vệ, y tế học đường… Những việc họ làm thường không tên nhưng lại phục vụ quan trọng cho sự nghiệp giáo dục của đơn vị. Vì vậy, họ xứng đáng được xã hội gọi là thầy, cô”, bà Lê Thị Thanh Vân tâm sự.
Theo số liệu thống kê từ Sở GD&ĐT Đắk Lắk, hiện nay, toàn ngành có 34.643 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, đội ngũ nhân viên có 3.932 người, có 1.546 người thuộc diện hợp đồng.