Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thanh từ vùng quê Vĩnh Phúc lên Mường Tè công tác đã 4 năm. Năm đầu tiên cô nhận công tác tại xã vùng biên Mù Cả và hiện nay đang dạy tại Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè.
“Tôi lên đây chỉ có một mình, chồng con đều ở quê. Hai năm trước tôi đều phải đón Tết một mình trong căn nhà trọ. Đi ra đi vào mãi chẳng hết ngày, thỉnh thoảng nhớ con lại điện thoại về nhà hỏi han, xem hình ảnh... Năm ngoái dù đăng ký về quê đón Tết nhưng đường quá xa xôi, dịch bệnh bất ngờ khiến tôi không thể về nhà đón Tết…”, cô Thanh cho biết.
Nhớ lại cái Tết xa nhà, cô Thanh chia sẻ: “Mỗi lần gọi điện về nhà, các con đều nói: “Mẹ ơi, sao không về đưa con đi mua sắm, chơi Tết? Các bạn con đều được mẹ đưa đi mua cho quần áo mới…” mà tim thắt lại. Tôi chỉ biết cố gắng kìm nước mắt và hứa hẹn nhiều điều sẽ thực hiện khi kết thúc dịch bệnh. Sau đó, tìm mua hàng trên mạng để gửi về. Việc sắm Tết được thực hiện qua mạng…”.
Công tác xa nhà, cô Thanh và nhiều giáo viên khác mỗi năm chỉ có 2 dịp là Tết và hè để về quê. Vì thế, sau 2 năm lỡ hẹn vì dịch bệnh cô Thanh chỉ mong muốn thời gian nghỉ Tết dài thêm để bù đắp cho gia đình, người thân.
Cũng giống cô Thanh, năm trước cô Lò Thị Thủy không được về quê đón Tết và phải sắm Tết online cho gia đình nội, ngoại. “Tôi dành được ít tiền lương, dự định để về quê sắm Tết. Dù không có nhiều nhưng sẽ cố gắng sắm cho gia đình hai bên chút quà. Đó là tình cảm của tôi dành cho bố mẹ, anh em…”, cô Thủy chia sẻ.
Tết đến gần, cũng là lúc những giáo viên “một chốn, bốn quê” hướng về quê hương. Nhiều thầy cô đã sẵn sàng cho cái Tết đoàn viên sau 2 năm đại dịch. Thế nhưng có những thầy cô thêm một lần gác lại vì nhiệm vụ cùng trường lớp. Cô Hoàng Thị Oánh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ngảo (Sìn Hồ, Lai Châu), cho biết: “Năm nay, tôi ăn Tết tại nơi công tác vì còn nhiệm vụ trực trường. Dù nhớ nhà nhưng trách nhiệm với trường lớp, học trò vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ. Về quê kịp hay không phải sau Tết mới tính tiếp…”.
“Những giáo viên vùng cao dù vui xuân nhưng vẫn không quên nhiệm vụ. Về quê đón Tết nhưng trong suy nghĩ vẫn hướng về học trò, việc duy trì sĩ số, bình ổn trường lớp sau Tết. Giáo viên vùng cao, công tác xa nhà thường để ra ít nhất 1 - 2 ngày di chuyển, trả phép sớm để dọn dẹp vệ sinh trường lớp, nắm bắt tình hình học trò. Thậm chí, những lúc cao điểm, mùa lễ hội giáo viên phải sớm lên phương án, đích thân đi vận động, “kéo” học trò trở lại học tập…”, cô Nguyễn Thị Thanh, Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè, chia sẻ.