Thầy cô ở vùng cao đối với học trò phải vừa là giáo viên, vừa là cha mẹ

19/02/2024, 07:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gần 30 năm trước, cô Trương Thị Lan tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ là người hiếm hoi chọn ở lại gắn bó với trường vùng biên giới.

Cô chia sẻ: “Sau một thời gian thì tôi được quay lại dạy đúng chuyên môn của mình. Học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều vất vả, hạn chế khi học tiếng Anh, bởi tiếng phổ thông các em còn chưa thành thạo. Tiếng Anh như là ngoại ngữ thứ 2, mà khi nghe cô giáo phát âm, có em ngơ ngác, có lớp thì cười khúc khích vì thấy lạ, không hiểu gì”.

Chính vào lúc này, cô Trương Thị Lan mới thấy mình gặp khó khăn nhất, khi mình là người dạy học, truyền tải kiến thức, mà các em không sẵn sàng tiếp nhận, không có nhận thức cần phải học môn tiếng Anh.

Trong quá trình công tác, cô luôn nỗ lực trau đồi chuyên môn và có phương pháp phù hợp với học trò. Ảnh: Hồ Lài
Trong quá trình công tác, cô luôn nỗ lực trau đồi chuyên môn và có phương pháp phù hợp với học trò. Ảnh: Hồ Lài

Cô đành phải từng bước cho học sinh làm quen với môn học mới, và động viên, khích lệ các em học Tiếng Anh như học tiếng phổ thông. Biết thêm một chút sẽ yêu thích thêm một chút. Ở các trường miền xuôi, vùng trung tâm, dạy học tiếng Anh có nhiều mục tiêu cao hơn. Nhưng ở trường vùng cao, cô và đồng nghiệp kiên trì phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo mức độ nhận biết và tiếp nhận của các em. Kết quả là sự tiến bộ của học trò chứ không phải là danh hiệu, thành tích nào.

Với phương pháp đó, mà sau 4 năm công tác tại trường, cô Lan đã có học sinh đạt giải Khuyến khích tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh Nghệ An môn tiếng Anh. Kết quả này còn khiêm tốn so với trong tỉnh, nhưng đã là kỳ tích ở ngôi trường vùng biên giới này.

Nữ cán bộ công đoàn tâm huyết

Sau thời gian dài gắn bó với Trường THPT Kỳ Sơn, ngoài chuyên môn dạy học tiếng Anh, cô Trương Thị Lan còn được bầu làm Chủ tịch Công đoàn trường. Để làm tốt 2 vai trò ở ngôi trường có hơn 90% học sinh dân tộc thiểu số không dễ dàng.

Về nhiệm vụ chuyên môn, cô cùng tổ bộ môn, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT cho học sinh. Bên cạnh đó thường xuyên phụ đạo miễn phí cho các em yếu kém hoặc bồi dưỡng học sinh khá. Đặc biệt là vào giai đoạn tăng tốc, từ tháng 3 đến khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, cô và đồng nghiệp tổ chức các buổi học đêm tại trường miễn phí cho học sinh khối 12.

Với tâm huyết và tài năng của mình, cô Trương Thị Lan được biểu dương là giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: Hồ Lài
Với tâm huyết và tài năng của mình, cô Trương Thị Lan được biểu dương là giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: Hồ Lài

Về phía công đoàn nhà trường cũng đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức liên tục 7 năm chương trình “Đồng hành cùng các sĩ tử”, nấu hàng trăm suất cơm, nước uống miễn phí thí sinh và người nhà mỗi mùa thi. Bên cạnh đó, công đoàn nhà trường còn có nhiều hoạt động khác như đền ơn đáp nghĩa; các hoạt động xã hội, tương thân, tương ái trong cán bộ, nhà giáo, lao động thông qua các chương trình “Mái ấm công đoàn”, “Hỗ trợ đoàn viên công đoàn và học sinh khó khăn”...

Năm học 2023-2024, cô Trương Thị Lan vinh dự được Công đoàn ngành Giáo dục chọn và tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Bất ngờ và đầy xúc động, cô tâm sự: Trong nhiều năm gắn bó với nghề dạy học, tôi chưa bao giờ đặt mục tiêu cho mình phải đạt giải thưởng này hay thành tích kia. Nhưng được Bộ GD&ĐT tôn vinh giáo viên tiêu biểu toàn quốc là món quà rất lớn không chỉ cho cá nhân, cho gia đình và cho ngôi trường vùng cao mà tôi gắn bó hơn 25 năm. Giải thưởng cũng là sự ghi nhận và tạo động lực để tôi tiếp tục với nghề giáo, với tâm huyết mà mình đã chọn”.

Cô giáo người Thái trải lòng, thầy cô ở vùng cao đối với học trò phải vừa là giáo viên, vừa là cha mẹ, người người thân trong gia đình vừa là người bạn lắng nghe chia sẻ. Khi các em gần gần gũi được với thầy cô, các em sẽ thấy như ở nhà và khi đó các em sẽ thực sự xem trường học là ngôi nhà thứ hai của mình.

“Là người truyền đạt tri thức và cũng dành tâm huyết, tình cảm đặc biệt cho học sinh nơi đây, sau hàng chục năm, tôi cảm thấy đã góp được một phần nhỏ cho nhiều thế hệ học trò. Đó cũng là điều tôi trân trọng và tiếp tục phấn đấu trong chặng đường nghề giáo tiếp theo của mình”, cô giáo tiêu biểu chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thay-co-o-vung-cao-doi-voi-hoc-tro-phai-vua-la-giao-vien-vua-la-cha-me-post672188.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thay-co-o-vung-cao-doi-voi-hoc-tro-phai-vua-la-giao-vien-vua-la-cha-me-post672188.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy cô ở vùng cao đối với học trò phải vừa là giáo viên, vừa là cha mẹ