Những ngày qua, dư luận khá đa chiều về việc từ năm học tới, trong chương trình  lớp 10, Lịch sử trở thành một trong các môn tự chọn cho học sinh.

Ảnh minh họa/INTẢnh minh họa/INT

Một số ý kiến cho rằng khi lịch sử không còn là môn học bắt buộc, học sinh sẽ không lựa chọn môn học này, từ đó dẫn đến hệ lụy là không biết về lịch sử của dân tộc.

Xung quanh vấn đề này, Bộ GD&ĐT cũng đã có lý giải rõ ràng và thỏa đáng. Theo đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ yêu cầu đối với Chương trình GDPT mới là “Bảo đảm cho học sinh THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”. Vì thế, trong giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội.

Như vậy, sự sắp xếp môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2018 với hai giai đoạn là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia. Lo ngại của một bộ phận xã hội về việc học sinh sẽ bỏ môn Lịch sử khi chuyển sang tự chọn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10-12) hiện cũng chưa có cơ sở. Thời gian qua, chuẩn bị cho việc tuyển sinh vào lớp 10, các trường THPT trên cả nước cũng tiến hành khảo sát nguyện vọng học sinh lớp 9 chọn tổ hợp môn. Kết quả là nhóm tổ hợp có môn Lịch sử vẫn được đông đảo học sinh ở nhiều trường chọn học, cao hơn nhiều môn tự chọn khác.

Thực tế những vấn đề liên quan đến hiệu quả giảng dạy lịch sử ở nhà trường phổ thông hiện nay không hẳn nằm ở thời lượng, bắt buộc hay không mà chủ yếu ở phương pháp. Phương pháp giảng dạy lịch sử vẫn nặng về đọc chép, ghi nhớ số liệu, ngày tháng, khoa bảng. Đây là những hạn chế căn cốt nhất khiến thời gian qua dù bắt buộc học Lịch sử đủ 12 năm nhưng nhiều em vẫn không hiểu và say mê môn học này. Nhiều học sinh cho biết, yêu sử không phải qua bài giảng của thầy, mà là qua những câu chuyện sinh động, hấp dẫn trong sách, trên phim hay các diễn đàn sử học.

Lịch sử là môn học quan trọng trong chương trình phổ thông, góp phần hun đúc tình yêu đất nước một cách tự nhiên. Để học sinh hiểu, yêu Lịch sử, vấn đề không phải ở chỗ môn học này bắt buộc hay tự chọn ở cấp THPT, mà quan trọng nhất cần tập trung là thực hiện tốt nhất yêu cầu đổi mới về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Giang (Viện Nghiên cứu xã hội châu Á tại Manila) khẳng định: “Tất cả môn học trong lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội trước hết đều cần nội dung định hướng và quan trọng hơn là phương pháp giảng dạy. Môn Lịch sử cũng không ngoại lệ. Với bộ môn này, bên cạnh sách giáo khoa, phương pháp dạy học là đường dẫn rất quan trọng kết nối phần cứng với sự lĩnh hội của người học”.

Chương trình GDPT mới môn Lịch sử không chỉ chú trọng đổi mới nội dung, kết cấu mà còn coi trọng phương pháp và hình thức giáo dục. Đặc biệt với chương trình mở, học sinh không chỉ học lịch sử mà còn được giáo dục nhiều hơn trong hoạt động dạy học tích hợp, lồng ghép. Những mô hình học lịch sử sinh động, hiệu quả như học qua sự kiện, ở viện bảo tàng, khu di tích lịch sử, gặp gỡ “nhân chứng sống”, phim tư liệu… cần phải được triển khai nhiều hơn, hay hơn trong thời gian tới. Đây mới là những chuyển động, thay đổi căn cơ cần thiết để học sinh thấm, yêu, chứ không phải vì có nhiều tiết học theo hình thức bắt buộc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thay đổi căn cơ