Thay đổi quan niệm về soạn giáo án

Hiếu Nguyễn | 16/09/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) là công việc thường xuyên của giáo viên (GV) trước khi lên lớp.

Khi giáo án được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu sẽ giúp GV có được sự tự tin, từ đó quyết định rất lớn đến sự thành công, hiệu quả của giờ giảng.

Soạn theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT có khó?

Gần đây, trên một số trang mạng, phương tiện truyền thông có ý kiến về khó khăn khi xây dựng kế hoạch bài dạy theo Phụ lục 4, Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GD&ĐT về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Sở dĩ có việc này, theo cô Nguyễn Ngọc Thúy, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn - Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - bởi lâu nay việc xây dựng kế hoạch bài dạy (soạn giáo án) hầu như vẫn được thực hiện một cách tự phát; GV quen làm theo kinh nghiệm cá nhân, dẫn đến ngại thay đổi. Chưa kể, một bộ phận GV sử dụng những bộ giáo án có sẵn nên khi phải soạn theo đúng nghĩa một kế hoạch bài dạy sẽ thấy khó khăn.

“GV nên soạn giáo án theo Công văn 5512, dù Bộ GD&ĐT chỉ định hướng tham khảo chứ không bắt buộc. Phụ lục 4 trong Công văn 5512 nêu ra những yêu cầu cụ thể và có cơ sở khoa học của một giáo án. Soạn giáo án theo Công văn 5512 không phải là việc khó khăn; tuy nhiên thầy cô cần phải bắt đầu từ sự thay đổi quan niệm về giáo án - đó là kế hoạch bài dạy chứ không phải là kịch bản dẫn chương trình của một MC”.

Nêu quan điểm này, cô Nguyễn Ngọc Thúy cho rằng, muốn soạn một kế hoạch bài dạy có tính khả thi, cần đáp ứng yêu cầu ngắn gọn, nhất quán giữa mục tiêu, nội dung hoạt động, sản phẩm yêu cầu và hình thức tổ chức để chiếm lĩnh mục tiêu. Nhưng trên hết, người dạy phải biết đặt mình vào học sinh (HS) để lựa chọn những nội dung hoạt động phù hợp, thú vị. Cuối cùng, GV phải có năng lực tưởng tượng diễn biến của giờ học và các tình huống có thể xảy ra ngoài ý muốn để có phương án tổ chức hợp lý.

“Trước đây, 1 bài học có 2 đến 3 tiết dạy, GV phải xác định mục tiêu cụ thể của từng tiết học. Nhưng trong Chương trình GDPT 2018, với hướng mở, GV chỉ cần xác định mục tiêu của bài học/chủ đề dạy trong 2 - 3 tiết. Mỗi bài dạy có thể được thực hiện trong nhiều tiết học, bảo đảm đủ thời gian dành cho mỗi hoạt động để HS thực hiện hiệu quả” - cô Vũ Thị Anh chia sẻ.

Là GV cốt cán, cô Vũ Thị Anh (Trường THPT Ân Thi, Hưng Yên) nhận định, xây dựng kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 rất dễ và rõ ràng cho các bộ môn. Bên cạnh đó, quy định 1 chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) là hướng mở, cởi nút thắt trong việc tiếp cận các nguồn tư liệu dạy - học cho GV.

Thầy Trang Minh Thiên, GV Trường Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) thì cho rằng, thực hiện theo Công văn 5512, kế hoạch bài dạy sẽ linh hoạt hơn cho GV khi giảng dạy ở nhiều lớp, nhóm HS khác nhau. Khi soạn, thầy cô cần nắm rõ yêu cầu cần đạt, phẩm chất, năng lực chung và nội dung môn học. Đây cũng là điều tất yếu khi triển khai Chương trình GDPT 2018, dạy học phát triển năng lực, phẩm chất HS. Trong kế hoạch bài dạy nêu rõ 4 hoạt động: Mở đầu, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng. Trong mỗi hoạt động trên cũng cần thể hiện mục tiêu, nội dung, sản phẩm và cách tổ chức hoạt động của thầy cô như thế nào.

“Có thể nói, xây dựng kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 luôn hướng đến sự linh hoạt và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá tích cực để có thể phát huy tối đa năng lực, phẩm chất HS. Trong kế hoạch bài dạy không yêu cầu thầy cô ghi nội dung bài giảng, lời dẫn của GV, câu trả lời của HS… Song song đó, khi soạn, GV còn có thể liên kết được với các mục tiêu của bài ở từng hoạt động cụ thể, không bỏ sót các mục tiêu với nhau.

Nếu thầy cô đã tổ chức tốt hoạt động thì có thể sử dụng thêm công cụ kiểm tra phù hợp, giúp đánh giá được cụ thể các mục tiêu đề ra. Riêng hoạt động vận dụng không bắt buộc thực hiện vì không phải bài học nào cũng có thể vận dụng thực tiễn được; thầy cô sẽ lựa chọn nội dung, bài học để tổ chức hoạt động hiệu quả hơn” - thầy Trang Minh Thiên lưu ý.

Tăng cường bồi dưỡng năng lực cho GV

Chia sẻ về việc xây dựng kế hoạch bài dạy, cô Lã Thị Hè, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) thừa nhận thực trạng còn bộ phận thầy cô vẫn có tư tưởng ngại đổi mới; một số chỉ xây dựng kế hoạch bài dạy theo hình thức, mang tính chất đối phó. Có thầy cô còn lúng túng, không nắm vững phương pháp dạy học hiện đại, phát triển năng lực HS. Cô Lã Thị Hè khẳng định: Thiết kế giáo án là một công việc thường xuyên của GV trước khi lên lớp. Khi giáo án được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu giúp GV có được sự tự tin, từ đó quyết định thành công của giờ giảng.

Thay đổi quan niệm về soạn giáo án ảnh 1

Ảnh minh họa/ INT

“Trường THCS Thụy Liên quan tâm thực hiện xây dựng kế hoạch bài dạy theo từng môn học; nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ/sở/phòng GD&ĐT trong xây dựng kế hoạch dạy học. Các GV trong trường được tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ; khuyến khích học trực tuyến, bồi dưỡng tại chỗ, phát huy năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin” - cô Lã Thị Hè thông tin.

Tại Trường THPT Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), theo thầy Hiệu trưởng Trần Huy, việc xây dựng kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 không gặp nhiều trở ngại, do GV đã được tập huấn và triển khai thực hiện từ năm học trước. Cấu trúc kế hoạch bài dạy theo hướng tinh gọn, bảo đảm các hoạt động trên lớp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin chứ không nặng về mặt hồ sơ.

Trên cơ sở hướng dẫn của sở GD&ĐT, nhà trường giao tổ trưởng chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; trong đó có nội dung xây dựng mục tiêu kế hoạch bài dạy, tổ chức dạy học, dự giờ, thảo luận rút kinh nghiệm; tham gia các nhóm sinh hoạt chuyên môn của đơn vị để trao đổi kinh nghiệm, tài liệu dạy học.

Đưa yêu cầu về kế hoạch bài dạy, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, nhấn mạnh: Kế hoạch bài dạy được thiết kế theo hướng phát huy phẩm chất và năng lực người học, bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học.

Tiến trình dạy học mỗi bài được xây dựng thành các hoạt động với mục tiêu, nội dung, cách thức thực hiện và sản phẩm cụ thể để giao cho HS thực hiện trong lớp học, ngoài lớp học, ở trường, ở nhà, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại di sản văn hóa và cộng đồng. Dành nhiều thời gian trên lớp để tổ chức cho HS báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả tự học của mình; nghiên cứu bài dạy để tổ chức dạy trực tuyến, giao bài cho HS tự học, tự nghiên cứu để tổ chức dạy học trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Ông Trần Tuấn Khanh lưu ý: Kế hoạch giáo dục của GV, kế hoạch bài dạy, sổ chủ nhiệm có thể soạn giảng, cập nhật trên máy tính và hoàn thiện từ các kế hoạch đã được thực hiện từ những năm học trước đây đối với các lớp dạy học theo Chương trình GDPT 2006.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thay đổi quan niệm về soạn giáo án