Phát triển nhà ở xã hội phải hướng đến việc xây dựng các đô thị bảo đảm điều kiện an sinh cho số đông cư dân
Có thể thấy việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay không còn là mục tiêu đơn lẻ, nhiệm vụ độc lập của cơ quan nào, mà đã là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì thế, cần có một chiến lược hướng tới ổn định an sinh lâu dài cho đất nước, góp phần xây dựng một lực lượng lao động ổn định, bền vững cho sự phát triển của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới.
Cần có kế hoạch tổng thể
Hiện nay, tư duy về quy hoạch phát triển nhà ở xã hội tại một số địa phương còn bất cập về chiến lược tiếp cận, chắp vá về nội dung triển khai và mang nặng tính đối phó theo tình huống.
Những hạn chế trên không chỉ làm giảm hiệu quả của các dự án nhà ở xã hội mà còn cản trở sự phát triển bền vững của các đô thị. Nếu tiếp cận thiếu tầm nhìn dài hạn trong việc phát triển con người, thiếu định hướng trong việc nâng cấp các hệ giá trị sống thì nhiều người có nhu cầu trong các khu nhà ở xã hội sẽ khó thể nâng cao học thức và khó trở thành những người có thu nhập ổn định, bền vững.
Nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai mà không có một kế hoạch tổng thể, dài hạn và thiếu sự đồng bộ. Thay vì có một chiến lược rõ ràng và thống nhất, các dự án nhà ở xã hội này thường chỉ nhằm đáp ứng tức thời nhu cầu nhà ở; không xem xét kỹ lưỡng về tác động lâu dài.
Thực tế cho thấy một số vị trí đất đai được lựa chọn xây nhà ở xã hội không được tính toán cẩn thận về quy mô đầu tư và số lượng dân cư, kèm theo sự hỗ trợ của các tiện ích xung quanh. Những lô đất diện tích quá nhỏ kèm theo những khoản đầu tư kết nối hạ tầng với xung quanh chưa tương xứng có thể làm gia tăng thời gian thực hiện, kéo dài tiến độ và chi phí cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý.
Thêm vào đó, các dự án nhà ở xã hội khi triển khai thường đòi hỏi việc phải chuẩn bị được quỹ đất sạch sẵn sàng để xây dựng. Một số vị trí quy hoạch lựa chọn còn vướng nhiều loại đất - đất nông nghiệp, đất nghĩa trang, đất dân cư hiện hữu, thậm chí đất kênh rạch. Việc này khiến kéo dài thời gian thực hiện do vướng đền bù giải tỏa, thậm chí khó triển khai nếu không có sự can thiệp đúng lúc của cơ quan quản lý.
Tại một số địa phương, những giải pháp quy hoạch đất đai phục vụ dự án nhà ở xã hội chưa thực sự được xem trọng, một phần là do tư duy ngắn hạn và cục bộ, xem nhà ở xã hội là "gánh nặng" về quản lý, không thu được ngân sách từ quỹ đất mà còn đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên liên quan. Vì vậy, thay vì ưu tiên các vị trí tốt, có tính chất bền vững, dài hạn cho những dự án an sinh quan trọng như nhà ở xã hội thì những vị trí ấy lại thường được ưu tiên cho các dự án bất động sản thương mại, khu nhà ở cao cấp, khu phục vụ cho một số ít người có điều kiện. Đây là thực tiễn làm cho giá đất, mức sống và sự phân biệt được đẩy lên cao, khiến điều kiện sống ở những khu vực khác, nhất là khu vực ngoại vi đô thị, ngày càng khó khăn hơn.
Ngoài ra, một điểm bất cập khác trong tư duy quy hoạch nhà ở xã hội tại một vài địa phương là thiếu tầm nhìn dài hạn. Nhiều dự án chỉ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu ngắn hạn mà không xem xét đến các yếu tố phát triển bền vững… Song song đó, chưa có những chính sách và quy hoạch phát triển tiện ích xã hội để đáp ứng đúng nhu cầu và đủ chất lượng dành cho số đông.
Phải hướng tới tương lai
Để khắc phục những bất cập nêu trên, cần thiết phải thay đổi tư duy quy hoạch nhà ở xã hội, hướng đến việc xây dựng các đô thị bảo đảm điều kiện an sinh cho cư dân.
Quy hoạch nhà ở xã hội cần được tích hợp vào một kế hoạch tổng thể và dài hạn của địa phương, có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và nhà phát triển. Điều này nhằm bảo đảm rằng các dự án được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng một cách bền vững.
Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu chi tiết về nhu cầu của cư dân, điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng phát triển hạ tầng để bảo đảm các dự án nhà ở xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn có khả năng mở rộng, phát triển trong tương lai. Các khu nhà ở xã hội cần được quy hoạch để kết nối tốt với các khu vực khác, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân di chuyển và tiếp cận những dịch vụ cơ bản.
Các dự án nhà ở xã hội cần chú trọng đến việc phát triển con người, nâng cao hệ giá trị và trình độ học thức của cư dân. Điều này có thể thực hiện thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo nghề, giáo dục và các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng.
Ví dụ, khu nhà ở xã hội có thể tích hợp các trung tâm đào tạo nghề, trường học và cơ sở giáo dục khác để cư dân có thể dễ dàng tiếp cận, nâng cao trình độ. Đồng thời, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính, tư vấn nghề nghiệp và các dịch vụ xã hội khác để giúp cư dân ổn định cuộc sống, cải thiện thu nhập. Với những nhóm cư dân có tính chất lao động phổ thông, kinh doanh buôn bán, nhất là phụ nữ đơn thân hay người già, cần phải có thiết kế, có quy hoạch vị trí, tiện ích dành riêng cho họ.