Thay đổi về chất của phương án thi tốt nghiệp THPT

02/12/2023, 13:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) phân tích điểm khác biệt của phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Bộ GD&ĐT vừa công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Đây là phương án thi cho lứa học sinh đầu tiên hoàn thành 3 năm THPT theo Chương trình GDPT 2018. Nhìn theo số môn thi sẽ cảm giác không có gì mới, nhưng GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, phân tích sâu sẽ thấy rất khác với các phương án thi tốt nghiệp THPT trước đây và hiện nay (cho đến năm 2024).

Thứ nhất: Về số môn, thí sinh chỉ thi 4 môn, nhẹ nhàng hơn so với trước; nhưng Nhà nước sẽ phải tổ chức làm đề và có các ca, buổi thi cho số lượng đến 11 môn. Riêng ngoại ngữ còn ra đề cho cả 7 môn để thí sinh thi đúng môn ngoại ngữ được học.

Mấy chục năm trước, thí sinh thi bao nhiêu thì Nhà nước lo tổ chức từng đấy môn. Mấy năm gần đây, khi thí sinh được lựa chọn theo định hướng khoa học tự nhiên, hoặc khoa học xã hội, Nhà nước cũng “vất vả” hơn trong tổ chức để giảm bớt áp lực cho thí sinh.

Thứ hai: Dù cũng thi với số lượng 4 môn như mấy chục năm trước nhưng bản chất lại rất khác nhau. Lý do, trước đây tất cả môn thi do Nhà nước chọn, học sinh buộc phải thi - bất kể xu hướng năng lực, sở thích, định hướng ngành nghề, tất cả đồng dạng.

Còn từ 2025, theo triết lý “tích hợp cấp dưới, phân hóa ở cấp trên” theo định hướng nghề nghiệp, học sinh được quyền tự chọn 2 môn theo sở thích, năng lực, định hướng nghề nghiệp (xét tuyển đại học, cao đẳng), đúng theo tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018.

Thứ ba: Với 4 môn thi, trong đó 2 môn thí sinh tự chọn, số lượng tổ hợp các môn thi là 36. Đây cũng là căn cứ để xác định các tổ hợp xét tuyển vào đại học. Số lượng tổ hợp nói trên chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng tổ hợp dùng xét tuyển hiện nay. Từ đó, số lượng tổ hợp xét tuyển vào đại học từ năm 2025 khả năng sẽ ít và đơn giản hơn.

“Với phương thức thi 2+2, quan niệm về khối thi truyền thống cũng không còn. Cho nên các trường đại học nếu tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ phải chọn các tổ hợp khác.

Cũng nói thêm, các phân tích tương quan của nhóm nghiên cứu từ Trường ĐH Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy “giữa điểm thi theo các khối hiện nay (A, B, C, D...) không có tương quan với kết quả học năm thứ nhất. Bởi vậy tư duy khối thi kiểu cũ cũng đáng xem lại”, GS.TS Nguyễn Quý Thanh thông tin thêm.

Thứ tư: Việc không thực hiện bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (như trong phương án thi năm 2023) do thiết kế của Chương trình GDPT 2018 có các môn lựa chọn, khác với Chương trình GDPT 2006 với 100% các môn bắt buộc. Vì sự lựa chọn môn học của học sinh ở các trường khác nhau, nên không thể có cùng tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội chung cho mọi thí sinh trên toàn quốc.

Thứ năm: Chưa thi hoàn toàn theo kiểu đánh giá năng lực (thực chất chỉ đánh giá thiên hướng - aptitude) một cách toàn vẹn được ở năm 2025. Lý do, số học sinh sẽ thi năm 2025 mới chỉ học 3 năm THPT theo Chương trình GDPT 2018 (theo định hướng phát triển năng lực).

Để hoàn tất toàn bộ việc chuyển đổi chương trình phải đợi năm 2032, khi nhóm học sinh đầu tiên học đầy đủ 12 năm theo Chương trình GDPT 2018.

“Khi đó hoàn toàn có thể tính tín chỉ tích lũy mà không cần thi tốt nghiệp (nếu sửa cả Luật Giáo dục 2019); hoặc thi bài thi theo hướng đánh giá năng lực thực sự. Việc này cũng tương tự khi vào những năm 80, Việt Nam chuyển từ phổ thông hệ 10 năm sang hệ 12 năm”, GS Nguyễn Quý Thanh cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thay đổi về chất của phương án thi tốt nghiệp THPT