Đặc biệt, bản thân mình giáo viên chủ nhiệm câu lạc bộ STEM phải là người làm gương để truyền cảm hứng cho học sinh và hơn thế nữa mình phải làm thực tế mới có thể gỡ rối cho học sinh khi các em khó khăn.
Nếu những vấn đề nào mà bản thân mình chưa biết hoặc chưa rõ mình cũng sẽ nghiên cứu, hỏi đồng nghiệp hay những chuyên gia trong các lĩnh vực để hỗ trợ các em”.
Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ STEM Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP. HCM). Ảnh NVCC. |
Theo chia sẻ của nam sinh Dương Nghiệp Quý – lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM): “Lần đầu tiên em gặp thầy Minh là khi tham gia câu lạc bộ STEM của trường. Sau một thời gian học tập, sinh hoạt tại câu lạc bộ với thầy em thực sự rất ấn tượng bởi cách làm việc cũng như hiểu biết của thầy.
Qua một số dự án, em mới hiểu được khả năng sáng tạo, tinh thần nghiên cứu, làm việc nghiêm túc, cầu thị không ngại học hỏi khi gặp khó khăn của thầy. Nhiều lúc nghiên cứu đề tài gặp khó khăn, muốn bỏ cuộc, thầy đã trở thành nguồn động lực để em thúc đẩy cố gắng. Thầy là người cỗ vũ em học về code, kỹ thuật; là người đầu tiên em có thể chia sẻ về lập trình mạch điện tử.
Nghiệp Qúy cho biết: “Vào đợt dịch Covid-19 năm ngoái, khi bọn em tham gia cuộc thi Tech Genius của RMIT, trường học đóng cửa nhóm không có chỗ nghiên cứu, thực hành. Thầy là người hướng dẫn cả nhóm cách viết báo cáo, trình bày sản phẩm. Đặc biệt thầy cho mượn nhà để nhóm làm việc.
Mặc dù không phải lúc nào thầy cũng ở bên đội thi nhưng lúc nào cần thầy cũng hỗ trợ bằng hình thức online hoặc offline. Cuộc thi đó bọn em tham gia với đề tài 'Máy đo nhiệt độ chống Covid thông minh' và đạt giải nhì.
Đối với chúng em thầy Minh không chỉ đơn thuần là thầy giáo mà còn là người anh, người bạn đồng hành cùng chúng em trong quảng thời gian học THPT".
“Các bài học trong giáo dục STEM chúng tôi thiết kế theo tiêu chí không ranh giới: không giới hạn khối lớp, không giới hạn môn học, không giới hạn trong 4 bức tường nhằm rèn luyện tinh thần khoa học. Đối với các môn học về Toán học + Mỹ thuật + Vật lý + Công nghệ + Tin học được lồng ghép và kết hợp để giải quyết và thực hiện các chủ đề STEM, giúp không học vẹt mà hiểu bản chất sâu vấn đề”, thầy Nguyễn Công Minh chia sẻ.