Thầy giáo người Dao làm 'mẹ' trên bản Mông

Hà Linh | 05/03/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lặn lội vượt gần 500 cây số từ quê hương Sơn La, thầy giáo người Dao – Bàn Văn Đức ngược lên biên giới Mường Nhé (Điện Biên) để làm... “mẹ”.

Thầy giáo người Dao làm 'mẹ' trên bản Mông ảnh 2
Ngoài giờ lên lớp, thầy Đức tự tay chuẩn bị bữa ăn cho học sinh.

Trẻ khôn lớn, thầy cũng “trưởng thành”

Khi chúng tôi có mặt tại điểm trường Mầm non Chuyên Gia 3 cũng là lúc thầy Đức cùng trò đang triển khai các hoạt động trong tiết học âm nhạc. Nhìn sự say sưa và những động tác chân tay nhuần nhuyễn, mềm mại của thầy từ trong ánh mắt những đứa trẻ, chúng tôi mới thật sự thấm hiểu tâm sự trước đó của thầy.

Hiện thầy Đức chủ nhiệm lớp mẫu giáo ghép 5 - 6 tuổi và 3 - 4 tuổi, với 15 trẻ. Tất cả mọi công việc từ dạy học đến nấu ăn, chăm chút tay chân, vệ sinh hàng ngày cho trẻ đều do một tay thầy Đức thực hiện. Đều đặn mỗi ngày, khi mặt trời nhú trên đỉnh núi phía xa cũng là lúc thầy thức dậy để kịp nhận thực phẩm từ trường trung tâm mang về điểm bản. Nhận trẻ từ phụ huynh, thầy giảng dạy đến giữa buổi thì tổ chức hoạt động tự chơi cho trẻ để tranh thủ xuống bếp nấu 16 suất cơm trưa.

Giờ ăn đến, bọn trẻ nháo nhác vì đói. Một mình thầy Đức “xoay” như chong chóng. Đút cơm cho đứa này, rồi lại lấy canh, san thức ăn cho đứa kia. Trẻ ăn xong, thầy tranh thủ ăn vội bát cơm để còn cho chúng đi ngủ. Trẻ yên giấc rồi, thầy mới có thời gian dọn dẹp, rửa bát, thìa… nên giấc ngủ trưa ngày nào cũng vội.

“Tất bật thế nhưng bọn trẻ cứ ăn ngon, ngủ khỏe vậy là tôi vui lắm rồi. Mỗi năm trôi qua chúng tiến bộ thêm một chút thì mình lại đỡ vất vả đi. Trẻ trưởng thành, tôi cũng thấy mình trưởng thành hơn trong nghề và trong cả vai trò làm bố đối với gia đình riêng của tôi”, thầy Đức chia sẻ.

Quen địa bàn, công việc nên mỗi ngày với thầy Đức giờ đây nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhờ vậy thầy có thêm thời gian để xuống bản trò chuyện, gần gũi với bà con. Ở điểm trường, thầy cũng tự tay cải tạo đất, mua hạt về gieo những luống rau xanh cải thiện bữa ăn cho trẻ.

“Xóa bỏ” những hoài nghi ban đầu của nhiều người, giờ đây thầy Đức đã chứng minh được rằng không có công việc, nhiệm vụ nào là chỉ dành riêng cho nam giới hay phụ nữ. Thậm chí, nhiều giáo viên nữ mới vào nghề phải “ngưỡng mộ” trước sự khéo léo, chăm chút của thầy.

Suốt 11 năm gắn bó với vùng đất biên giới, thầy Đức đã đặt những viên gạch xây dựng nền tảng đầu tiên cho hàng trăm đứa trẻ nghèo khó, tự ti vững tin theo đuổi con đường tri thức. Trong những chia sẻ cho tương lai, chúng tôi không thấy thầy nhắc đến nguyện vọng chuyển địa bàn, mà chỉ nghe câu chuyện trăn trở về sự học, cuộc sống của những đứa trẻ vùng cao.

Còn theo chia sẻ của cô Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Đức luôn đặc biệt trong số giáo viên nhà trường. Sự đặc biệt ấy không chỉ đến từ việc thầy là nam giáo viên mầm non duy nhất của toàn huyện, mà bởi những nỗ lực thầy đang thực hiện để “bình thường hóa” công việc đặc biệt.

“Mặc dù ở đây học sinh 100% là con em đồng bào Mông, song sự tương đồng trong đời sống phần nào cũng giúp thầy Đức đứng lớp rất vững vàng, thực hiện nhiều phần việc mà ít giáo viên mầm non thông thường làm được. Cũng đã nhiều lần nhà trường có ý định luân chuyển cho thầy về dạy ở trung tâm, nhưng thầy từ chối. Lý do thầy đưa ra là cả trường có mình thầy là nam giới nên muốn nhận phần gian khó hơn. Nhờ vậy mà nhiều cô giáo có hoàn cảnh đặc biệt như mang thai, có con nhỏ… cũng đỡ phần vất vả”, cô Hương cho hay.

Tôi muốn nhìn thấy những học sinh mà tôi từng dạy dỗ được lớn lên, trưởng thành trong điều kiện tốt hơn. Mà trước mắt là mong có một con đường thuận lợi, để bọn trẻ đi lại đỡ vất vả. Ở đây, từng có rất nhiều người sinh ra, lớn lên cho đến khi hết cuộc đời cũng không ra khỏi bản làng mình. - Thầy Bàn Văn Đức

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thay-giao-nguoi-dao-lam-me-tren-ban-mong-post413010.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thay-giao-nguoi-dao-lam-me-tren-ban-mong-post413010.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy giáo người Dao làm 'mẹ' trên bản Mông