Không chỉ là giáo viên có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng HSG, thầy Xuân còn rất tích cực trong việc thực hiện các chuyên đề, sáng kiến và vận dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy. Nổi bật là sản phẩm “máy hàn cắt kim loại sử dụng nguyên liệu nước”, được Hội Liên hiệp Khoa học Mỹ đánh giá là sản phẩm xuất sắc nhất trong lĩnh vực cơ khí. Sản phẩm đã được các công ty liên hệ để sản xuất và đưa ra thử nghiệm trên thị trường.
Trong cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc”, sản phẩm xuất sắc vượt qua 554 sản phẩm để đoạt giải Đặc biệt. Sản phẩm cũng đại diện cho Việt Nam tham gia thi tại châu Á - Thái Bình Dương và đoạt Huy chương Vàng. Những năm qua, các sản phẩm khoa học kỹ thuật, sáng kiến do thầy Xuân thực hiện đều đoạt giải cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm kỹ thuật được đánh giá cao và áp dụng hiệu quả trong giảng dạy môn Vật lý các trường THPT.
Với sự nỗ lực, đóng góp trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường THPT Nguyễn Huệ, thầy Xuân nhận được nhiều phần thưởng và danh hiệu thi đua của các cấp, các ngành. Thầy Xuân liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng nhiều giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Tam Điệp, 3 Bằng khen của UBND tỉnh; 2 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...
Thầy Xuân chia sẻ: Nhân duyên đã giúp thầy gắn bó với sự nghiệp trồng người. Không phải ngay từ đầu đây đã là niềm say mê của thầy, nhưng càng gắn bó thầy càng cảm thấy yêu mến, trân trọng, nhất là khi vượt qua khó khăn, được tận hưởng trái chín ngọt ngào mà nghề nghiệp mang lại. Thầy Xuân vẫn nhớ câu nói của người thầy đáng kính - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - nay là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: “Không ai chọn nghề giáo để làm giàu về tiền bạc nhưng có những sự sang trọng và giàu có của nhà giáo chân chính không phải nghề nghiệp nào cũng có được”.
Nghề dạy học đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt khó trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho những thế hệ tương lai của đất nước. Một nghề mà cho dù hoàn cảnh, cuộc sống có khó khăn đến mấy, cũng chẳng ai cho phép mình được u sầu, bất mãn trước học trò. Những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của các em đã làm sống dậy tâm hồn và tiếp thêm nguồn động lực cho thầy Xuân cố gắng vượt qua mọi khó khăn phía trước để thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình.
Mỗi ngày lên lớp nhìn thấy học trò trong thầy có biết bao cảm xúc dâng trào, biết bao mơ ước về một ngày mai tươi sáng. Những người thầy giáo, cô giáo như những con đò cần mẫn chở khách sang sông mong đến ngày cập bến. Những con đò ấy cứ âm thầm lặng lẽ đưa con đò tri thức cập bến thành công.
Bản thân thầy Xuân luôn ý thức được trách nhiệm trước nghề lái đò, đó là phải không ngừng bồi dưỡng tri thức, làm chủ công nghệ, khắc phục những khó khăn bằng sức lực, sự chuyên nghiệp và lòng yêu nghề; phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện không ngừng để có được bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của một nhà giáo, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của thời đại mới.
“Được trở thành một nhà giáo với trách nhiệm cao cả mà xã hội giao cho, tôi sẽ cố gắng để trở thành một người giáo viên tốt, tiếp thêm tay chèo để lái con đò tri thức được cập bến thành công. Ngày hôm nay, tôi đã có thể hãnh diện mà nói rằng: Tôi là người yêu nghề, yêu trò, yêu trường lớp và tự hào về nghề nghiệp của tôi”, thầy Đinh Khắc Xuân tự hào nói.