Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, nhìn nhận, việc thiết kế đề thi trắc nghiệm không phải là công việc dễ dàng. Ngoài đáp án đúng, các phương án “mồi nhử” cũng phải làm tốt chức năng gây nhiễu, phân loại học sinh.
Tuy nhiên, trong các câu hỏi trắc nghiệm được chia sẻ rộng rãi có nhiều đáp án sai hiển nhiên hoặc đúng hiển nhiên, học sinh không cần học cũng có thể lựa chọn được phương án nên dễ lấy điểm từ những câu hỏi kiểu này. Phần ôn tập học kỳ, sách Ngữ văn 10, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng giới thiệu một số đề kiểm tra, được thiết kế theo hướng kết hợp trắc nghiệm và tự luận, nhưng phần trắc nghiệm chiếm một tỷ lệ nhỏ.
Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, các câu hỏi trắc nghiệm được dùng trong nhà trường hầu hết do giáo viên tự xây dựng và chưa được thử nghiệm theo đúng quy trình thiết kế câu hỏi trắc nghiệm. Hệ quả của việc này là đánh giá học sinh chưa chính xác.
“Tôi cho rằng đang có cách hiểu đơn giản hóa và không đúng về đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Không nên cho rằng ra đề trắc nghiệm khách quan là xu hướng tất yếu cần phải theo. Với môn Ngữ văn, đánh giá bằng câu hỏi tự luận vẫn phải là chủ đạo và cũng có thể là duy nhất tùy vào lựa chọn của từng địa phương và nhà trường. Đề môn Ngữ văn không chỉ kiểm tra kiến thức, mà còn đòi hỏi học sinh có khả năng diễn đạt, trình bày vấn đề và bộc lộ cảm xúc khi viết. Do đó, áp dụng trắc nghiệm phải đi kèm với tự luận”, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tại Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), đánh giá giữa kỳ I với khối 10, ma trận đề kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm có phổ điểm đạt từ 6 - 7. Theo ThS Nguyễn Hằng Nga – Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, hiện Bộ GD&ĐT chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về đề thi khối 10 mới. Dù vậy, sau khi đi tập huấn về, tổ bộ môn tự xây dựng ma trận đề thi theo cấu trúc 60% là đọc hiểu văn bản, kiểm tra về mặt kiến thức; 40% kiểm tra kỹ năng làm văn của học sinh.
Cũng theo cô Nga, chương trình mới không làm khó học sinh trong quá trình kiểm tra. Tuy nhiên, phương pháp dạy môn Ngữ văn mới không phải giáo viên nào cũng thích, bởi, chưa tôn lên được chất văn chương mà thiên về kỹ năng và dường như đã làm “mờ nhạt” chức năng của môn Ngữ văn trong nhà trường, đó là bồi dưỡng khả năng cảm thụ văn chương cho học sinh.
Ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội - nhấn mạnh, việc kiểm tra đánh giá với lớp 10 được các nhà trường áp dụng theo quy định tại Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT. Ngành Giáo dục Hà Nội đã triển khai tập huấn cho giáo viên ở từng bộ môn ngay từ đầu năm. Các nhà trường cũng chủ động xây dựng ma trận đề thi đặc tả đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng theo định hướng mới. Thời gian tới, Sở sẽ căn cứ theo những văn bản mới nhất của Bộ GD&ĐT về kiểm tra, đánh giá để phổ biến, hướng dẫn các nhà trường thực hiện.