Thầy trò hụt hẫng vì cắt chế độ, chính sách hỗ trợ

13/07/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù vẫn công tác tại những vùng khó khăn nhưng nhiều giáo viên, học sinh không còn được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi.

Thầy trò hụt hẫng vì cắt chế độ, chính sách hỗ trợ ảnh 1

Cô Nguyễn Thị Dạ Thảo và các học trò. Ảnh: NVCC

Trước đây, nhiều giáo viên dạy học ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP; Nghị định số 19/2013/NĐ-CP, Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ… Trong đó có 70% phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch, tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.

Nhờ các chính sách trên, giáo dục, đào tạo ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển biến rõ nét ở các cấp học, bậc học. Tuy nhiên, theo bà Hồ Thị Minh - Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, nhiều địa phương được công nhận nông thôn mới, hoặc thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn nên các khoản phụ cấp và trợ cấp nêu trên bị cắt. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cũng quan ngại, nguy cơ bỏ học giữa chừng có thể sẽ tăng lên, mục tiêu nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số khó đạt được. Vấn đề này không phù hợp với xã nông thôn mới.

Bà Minh kiến nghị, Nhà nước, chính quyền địa phương cần có cơ chế đặc thù cho giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, có thể ban hành chính sách thay thế, để bù đắp lại những khoản phụ cấp, trợ cấp mà thầy - trò đã được hưởng trước đây. Hoặc có thể, kéo dài thời hạn được hưởng các chế độ, chính sách trước đó để thầy – trò yên tâm dạy và học.

Ngoài ra, các địa phương có thể căn cứ vào tình hình thực tế để nâng mức trợ cấp về chi phí học tập, sinh hoạt cho học sinh dân tộc thiểu số. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc, miền núi trên địa bàn các địa phương.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục chú trọng đầu tư nguồn lực để phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc, miền núi. Cần tích cực, chủ động huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ, đầu tư giáo dục những vùng này.

Nhấn mạnh, một trong những giải pháp để duy trì tỷ lệ trẻ đến trường là tiếp tục cho các em được hưởng bữa ăn trưa, bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh nhìn nhận, thời gian tới cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển giáo dục khu vực miền núi và đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, cần thực hiện tốt một trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia là, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, tất cả các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên, giáo dục mầm non, chính sách đối với nhà giáo, chính sách thu hút cán bộ đến vùng đặc biệt khó khăn… đều ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Do vậy, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ sẽ điều chỉnh, sửa đổi các chính sách này.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thay-tro-hut-hang-vi-cat-che-do-chinh-sach-ho-tro-post646418.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thay-tro-hut-hang-vi-cat-che-do-chinh-sach-ho-tro-post646418.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy trò hụt hẫng vì cắt chế độ, chính sách hỗ trợ