Về điều này, ông Dương cho biết Bộ Công an sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể. Việc thu thập trường dữ liệu căn cước sẽ do công an chủ trì thực hiện.
Thượng tá Nguyễn Đình Dương trả lời ý kiến cử tri.
Lãnh đạo Công an TPHCM cũng cho hay, đây là Luật Căn cước được Quốc hội ban hành và thông qua nên đây là những giấy tờ cuối cùng của chúng ta trong thời gian chuyển đổi số, thực hiện công dân số trong các giấy tờ tùy thân.
Chia sẻ thêm, Thượng tá Nguyễn Đình Dương cho biết Công an TPHCM đã tiếp nhận rất nhiều vụ việc người dân bị lừa đảo thông qua công nghệ cao, trong đó có thủ đoạn giả danh các cơ quan thực thi pháp luật để lừa người dân.
Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, hiện phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mới hơn, các đối tượng phân tích được quá trình người dân học tập, lao động, làm việc và cả sở thích để tạo lòng tin, “đánh gục tâm lý” của người dân tại một thời điểm và chiếm trọn quyền kiểm soát lý trí tại thời điểm đó khiến họ nghe theo.
“Vì vậy người dân cần hết sức cảnh giác trong việc sử dụng mạng, như các đường link lạ thì không được bấm vào hay chia sẻ. Nhiều khi đường link giả mạo tương tự các đơn vị, chỉ khác một số thông số dễ khiến chúng ta ngộ nhận và thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng lừa đảo”, Thượng tá Nguyễn Đình Dương thông tin.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết trao đổi với cử tri. Ảnh: Ngô Tùng.
Trao đổi thêm, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM - cho biết đối với việc bổ sung mống mắt vào cơ sở dữ liệu dân cư, Chính phủ sẽ có nghị định và Bộ Công an sẽ có hướng dẫn cụ thể để thực hiện việc này, do đó trước mắt bà con cử tri nên chờ ngành chức năng phối hợp địa phương thông tin đầy đủ cách thức tiến hành, thời gian cũng như việc lấy mống mắt này có kết hợp với đổi thẻ căn cước cho công dân hay không.