Từ vụ việc trên mở rộng ra các vụ việc tương tự, luật sư Cường cho biết, dưới góc độ pháp lý pháp luật nghiêm cấm việc đánh nhau nơi công cộng hoặc hành vi đánh người nơi công cộng. Đồng thời pháp luật chỉ cho phép công dân có quyền phòng vệ, tự vệ khi có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực xảy ra. Việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề nơi công cộng đòi hỏi phải hết sức thận trọng, tỉnh táo và kiềm chế cảm xúc.
Nếu là hành vi đánh người hoặc đánh nhau nơi công cộng (cả hai bên đều muốn gây thiệt hại đến tính mạng sức khỏe của nhau) thì đó là những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật cũng cho phép công dân được sử dụng vũ lực trong một số trường hợp như: bắt giữ người phạm tội quả tang, bắt giữ người đang bị truy nã, phòng vệ chính đáng, tự vệ...
Luật sư Cường cho biết, nếu bản thân bị tấn công, bị đe dọa đến tính mạng sức khỏe thì pháp luật cho phép mọi công dân đều có quyền dùng vũ lực để chống trả lại một cách cần thiết, ở mức độ triệt tiêu vũ lực của đối phương.
Điều kiện được xác định là phòng vệ chính đáng phải là hành vi dùng vũ lực của người khác đang diễn ra, nếu không chống trả lại thì sẽ bị thiệt hại phải gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu hành vi chống trả lại rõ ràng quá mức cần thiết thì người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vượt quá của mình.
"Vậy người tham gia giao thông cần làm gì khi bị côn đồ tấn công trên đường"? - trước câu hỏi trên, luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo để bảo vệ bản thân mình, bảo vệ tài sản của mình hoặc tính mạng sức khỏe tài sản của người khác thì mọi người cần phải hết sức bình tĩnh xác định tình huống đã đến mức phải sử dụng vũ lực hay chưa và kiểm soát việc sử dụng vũ lực sao cho chỉ để chống trả ở mức độ cần thiết.
Trường hợp có những tình huống va chạm giao thông thì cần phải bình tĩnh giải thích và giữ một khoảng cách với đối phương để tránh trường hợp đối tượng bất ngờ tấn công, gây thương tích cho bản thân mình. Trường hợp đối tượng hung hãn, có hung khí thì không nên đối mặt, cần đóng cửa phải chốt cửa xe và gọi người cứu giúp hoặc gọi cảnh sát 113.
"Tránh né, bỏ chạy, cố thủ, chống trả lại một cách cần thiết đều là những hành vi nên làm trong những tình huống bị tấn công đe dọa trên đường để tránh gây tổn thương cho bản thân mình và người khác. Chỉ khi nào có khả năng và không thể bỏ chạy, không thể tránh né thì mới sử dụng vũ lực để chống trả lại một cách cần thiết đối với hành vi của người khác đang tấn công bản thân mình hoặc tấn công người xung quanh" - luật sư Cường khuyến cáo.
Luật sư Cường cho rằng, để giảm thiểu những vụ việc va chạm giao thông dẫn đến án mạng xảy ra, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cần phải nâng cao nhận thức ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, tăng cường giáo dục đạo đức văn hóa cho mọi người, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi có tính chất côn đồ, đánh người khi tham gia giao thông.
Điều 22. Phòng vệ chính đáng 1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. 2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này. |