Thi đánh giá năng lực, tư duy: Nhận diện cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi

22/02/2024, 14:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy... để tuyển sinh đầu vào.

Đại diện các cơ sở đào tạo lưu ý một số điểm quan trọng về cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi để thí sinh có định hướng học tập nhằm đạt kết quả cao nhất.

Làm thử đề thi tham khảo

Ngày 18/2, Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội mở cổng đăng ký thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA) để tiếp nhận hồ sơ các thí sinh dự thi các đợt trong tháng 3, 4/2024. Ba đợt thi đầu tiên của năm nay (401, 402 và 403) được thiết kế phục vụ trên 51.500 lượt thi tại 17 địa điểm. Trên 51.100 thí sinh chọn ca thi, chiếm 98,8% số chỗ thiết kế phục vụ trong các đợt thi tháng 3, 4 năm nay.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, thời gian tới sẽ mở cổng phục vụ 50.000 chỗ thi cho các đợt tháng 5, 6/2024. Về bài thi đánh giá năng lực, thí sinh làm trên máy tính. Thời gian từ 195 - 199 phút, gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học tự nhiên – xã hội (50 câu hỏi, 60 phút).

“Làm quen với đề thi tham khảo giúp thí sinh giảm áp lực tâm lý khi làm bài thi chính thức. Ngoài ra, đây cũng là cách để tích lũy kinh nghiệm, hình thành kỹ năng luyện tập, cập nhật bổ sung kiến thức những phần chưa trả lời tốt”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo gợi ý.

“Cách thức đơn giản nhất để làm tốt bài thi đánh giá năng lực là thí sinh hãy dành thời gian làm bài thi tham khảo trước ngày đăng ký dự thi”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo bật mí và nhấn mạnh, việc làm thử đề thi tham khảo trước ngày thi giúp thí sinh làm quen với cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi, tính toán thời gian cho mỗi câu hỏi để đưa ra lựa chọn thích hợp nhất.

Hiện, bài thi chỉ thực hiện thi trên máy tính. Thí sinh làm bài lần lượt từ phần 1 - 3. Trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm nhưng vẫn có thể kèm thêm 1 - 3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm được trộn ngẫu nhiên vào các phần và thí sinh không biết là câu hỏi nào. Vì thế, thí sinh hãy làm hết khả năng để đạt kết quả tốt nhất. Các phần thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 2 - 4 phút.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, với mỗi bài thi, đặc biệt là các bài thi sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan, thí sinh phải kiểm soát tốt thời gian làm bài bằng cách phân phối thời gian đọc hiểu đầu bài, đọc hướng dẫn từng phần trước khi lựa chọn đáp án. Nếu có thể, tiết kiệm thời gian của từng câu hỏi để xem lại toàn bộ bài thi, làm lại các câu hỏi mà các em cảm thấy khó trong hợp phần đó trước khi chuyển sang phần kế tiếp.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC

Thí sinh không cần “lò luyện”

Kỳ thi Đánh giá tư duy 2024 được ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức thành 6 đợt thi bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính. Thí sinh được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị trong 2 năm để đăng ký xét tuyển và các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu. Kỳ thi được sử dụng làm tiêu chí đánh giá và tuyển chọn sinh viên có đủ kiến thức, tư duy vào trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, bài thi đánh giá tư duy là sự tiếp cận với những phương pháp của các nước phát triển trên thế giới như kỳ thi SAT, ACT..., hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng tuyển sinh của trường bằng cách đánh giá năng lực tư duy tổng thể của thí sinh.

Trong bài thi, ba năng lực tư duy được xác định gồm: Tư duy toán học; tư duy đọc hiểu; tư duy khoa học/giải quyết vấn đề. Đề thi gồm các câu hỏi trắc nghiệm. Những kiểu câu hỏi trắc nghiệm được sử dụng bao gồm: Nhiều lựa chọn (chọn nhiều phương án đúng); lựa chọn: Đúng/Sai; trả lời ngắn (điền câu trả lời); kéo thả (chọn sẵn trong bài).

Mới đây, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã công bố đề tham khảo Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 để thí sinh có định hướng trong học tập nhằm đạt kết quả cao nhất. PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng thông tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi vào ngày 11/5. Nhà trường chỉ có duy nhất đợt thi trong năm. Cấu trúc bài thi giữ ổn định như năm trước.

Theo đó, thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi trong số các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học. Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy.

Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo cấu trúc từng bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Các câu hỏi có nội dung thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2006, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lưu ý, không ai nhân danh giảng viên của trường để tổ chức luyện thi đánh giá năng lực. Nếu có, thí sinh đừng tin vào điều đó, mà hãy tin vào thực lực bản thân. Tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, thí sinh không cần qua “lò luyện”. Các giảng viên có thể tham gia ra soạn thảo đề thi nhưng không có nghĩa sẽ dùng đề thi của giảng viên đó.

Khi có ngân hàng đề thi, trường có thể lấy các tổ hợp ngẫu nhiên, không phải đề thi của cá nhân nào. Thực tế, có nhiều thầy, cô ra đề thi nên không ai có thể liên kết với bên ngoài để tổ chức luyện thi cho học sinh.

Năm nay, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực, với 3 đợt. Dự kiến đợt đầu tiên sẽ tổ chức vào đầu tháng 3. TS Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho hay, so với các kỳ thi riêng khác, thi đánh giá năng lực của USTH gồm 3 vòng: Nộp hồ sơ trực tuyến, kiểm tra kiến thức và phỏng vấn. Cách thức này sẽ có sự sàng lọc từ vòng 1 cho đến vòng cuối cùng.

Riêng với vòng kiểm tra kiến thức, thí sinh cần tham khảo bộ câu hỏi mẫu được nhà trường công khai trên website. Khối lượng kiến thức không nằm ngoài chương trình giáo dục THPT. Vì thế, các em không quá lo lắng, chỉ cần học thật chắc và nắm được dạng thức thi là “ăn điểm”.

“Thời gian làm bài của mỗi phần được tính đủ để thí sinh kết thúc các câu hỏi. Tuy nhiên, nếu thí sinh gặp phải một câu hỏi quá khó thì hãy làm câu hỏi tiếp theo sau đó trở lại câu hỏi đó nếu còn thời gian. Cần lưu ý là thí sinh đang làm bài ở phần nào thì không thể quay lại làm các câu hỏi ở phần trước đó”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý.

Bài liên quan
Phổ điểm bài thi Đánh giá năng lực của ba đợt đầu tiên năm 2024
Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA) do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đã tiếp nhận hơn 104.000 lượt đăng ký dự thi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi đánh giá năng lực, tư duy: Nhận diện cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi