Thí sinh có nên đến các “lò luyện thi"?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ, tâm lý của một thí sinh là khi bước vào kỳ thi, việc đầu tiên sẽ nghĩ là mình cần luyện thi ở đâu, sẽ ôn tập như thế nào để đạt kết quả cao. Bài thi Đánh giá năng lực không giới hạn trong tư liệu, dữ liệu, trong sách giáo khoa mà hoàn toàn kiểm tra năng lực và kiến thức của thí sinh.
Ông Thảo cho rằng, tất cả các tư liệu ĐH Quốc Gia Hà Nội có thể lấy bên ngoài, các kiến thức, văn chương, văn học, tất cả những tác phẩm tồn tại ở Việt Nam hoặc là tác phẩm văn học nước ngoài, đều có thể đưa vào ngữ liệu để đánh giá thí sinh đạt được chuẩn hay là đánh giá tư duy ngôn ngữ của thí sinh trong khi xử lý vấn đề.
“Do vậy đề thi là rất rộng, dữ liệu vô cùng phong phú. Tôi có thể cam kết rằng không một trung tâm nào, một đơn vị nào có đủ khả năng luyện thi hết đối với bộ đề thi khổng lồ của Đại học Quốc gia Hà Nội”- ông Thảo nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thảo, việc tìm tới các trung tâm luyện thi chỉ góp phần giúp học sinh có nơi ôn tập, chuẩn bị tâm lý tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi. Chúng tôi vẫn nhắc nhở học sinh tham gia vào các lớp ôn thi trước khi bước vào kỳ thi, tuy nhiên việc tham gia mà đạt kết quả cao là điều vô cùng khó vì đây chỉ là biện pháp về mặt tinh thần, tâm lý.
Thí sinh cần có một kế hoạch học tập nghiêm túc, nghiêm chỉnh và nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình trung học phổ thông là hoàn toàn đạt kết quả cao.
Qua thống kê những năm vừa qua nếu học sinh bị sa lầy vào những trung tâm luyện thi, đôi khi các em sẽ lãng phí về thời gian và kinh tế mà dễ rơi vào tình trạng học lệch, học tủ, như vậy các em chỉ đạt điểm ở mức trung bình.
Có cần phải bằng mọi giá để vào đại học?
PGS. TS Trần Thành Nam, (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trước nhiều kì thi đánh giá năng lực khác nhau của các trường, thì thí sinh phải đối diện với ma trận các lựa chọn là chuyện đương nhiên. Và sự lo lắng nhiều khi thể hiện học sinh đang thiếu một kỹ năng, bộc lộ xu hướng thành tích và con đường thành công vẫn là học đại học.
Tuy nhiên, theo ông Nam, Mình đang sống trong thế giới bất định và nhiều giá trị thay đổi. Học nghề có khi còn sống khoẻ hơn học đại học xong thất nghiệp. Nên khả năng kiểm soát lo lắng để đưa ra quyết định lựa chọn con đường của mình quan trọng hơn bao giờ hết.
“Có những người cứ lo lắng sợ hãi trượt vào 1 trường. Xong nếu đỗ thì học rất láng máng. Và học được 1 năm rồi không cảm thấy hợp lại bỏ. Thế thì cứ lo về các phương án tuyển sinh để bằng được vào 1 trường làm gì”- ông Nam nhấn mạnh.