Thí sinh kêu cứu
Theo thông tin mà phóng viên nhận được, nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển sớm vào ngành Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non của Trường ĐH Đông Á mới đây nhận được tin nhắn nhà trường gửi thông báo Bộ GD&ĐT đang tạm dừng tuyển sinh nhóm ngành Sư phạm ở một số trường trên cả nước để điều chỉnh Nghị định 116 (hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm) của Chính phủ.
Thí sinh thi tuyển vào đại học (ảnh minh họa). Ảnh: Mạnh Thắng
Nhận được thông tin này, thí sinh như ngồi trên lửa. Một thí sinh cho biết đã trúng tuyển bằng xét học bạ ngành Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Đông Á. Vì đã chắc suất ĐH nên thí sinh này chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng đã trúng tuyển này lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Thời gian nhập học sắp đến nên thí sinh đã thuê nhà trọ, mua sắm đồ dùng cá nhân. Theo thí sinh thông tin nhà trường đưa ra giải pháp là có thể chuyển ngành khác. “Nếu chỉ đơn giản như thế thì nói chuyện gì. Việc lựa chọn ngành Sư phạm ngoài yêu thích còn liên quan đến vấn đề tài chính toàn khóa học. Trường ‘quay xe’ như thế thì thí sinh và gia đình biết xoay xở như thế nào”, thí sinh bức xúc.
Một thí sinh khác đã thi năng khiếu và trúng tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non nên yên tâm tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm thế chỉ cần đỗ tốt nghiệp. Bây giờ đã hết thời gian đăng ký nguyện vọng, nếu Bộ GD&ĐT tạo điều kiện thì thí sinh này cũng không biết sẽ tham gia xét tuyển ngành sư phạm ở trường nào với mức điểm 3 môn chỉ quanh mốc 16-18 điểm bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp. “Điều kiện gia đình không cho phép nên em lựa chọn học sư phạm để miễn học phí và đăng ký theo đơn đặt hàng để được hỗ trợ sinh hoạt phí. Hơn nữa, ngành Giáo dục Mầm non các trường không công nhận kết quả thi năng khiếu do trường khác tổ chức”, thi sinh chia sẻ.
Trách nhiệm thuộc về nhà trường
Trước bức xúc của thí sinh, ông Đỗ Trọng Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á chia sẻ, tháng 5 vừa qua, Bộ GD&ĐT thông tin có 16 trường ĐH, CĐ không được giao chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành sư phạm do địa phương không đặt hàng. Trong số này, không có tên của Trường ĐH Đông Á nên trường đinh ninh sẽ được giao chỉ tiêu giống như năm 2022.
Theo tìm hiểu, hồi tháng 1, Trường ĐH Đông Á công bố thông tin tuyển sinh năm 2023 với 4 phương thức tuyển sinh. Trong 41 ngành đào tạo và tuyển sinh năm 2023 có 2 ngành Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non. Ngày 19/6, Trường ĐH Đông Á thông báo tổ chức thi năng khiếu đợt 1 đối với thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Thiết kế thời trang của trường; ngày 21/6, Trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy đợt 1 năm 2023. Điểm chuẩn 2 ngành sư phạm đối với phương thức xét học bạ 3 học kỳ là 24.0 điểm; xét học bạ lớp 12 là 8.0 và điểm chuẩn thi đánh giá năng lực là 750.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay đến ngày 18/8, trường nhận được thông tin là năm nay không được giao chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành sư phạm. Trường đã thông báo tới thí sinh và có hướng giải quyết là thí sinh chủ động suy nghĩ chuyển nguyện vọng và chọn trường. “Trong khả năng của mình, nhà trường sẽ làm việc với Bộ GD&ĐT và các trường thí sinh muốn chuyển đến để đảm bảo quyền lợi. Đồng thời, nếu sinh muốn chuyển sang học ngành khác của Trường ĐH Đông Á, sẽ được cấp học bổng 70% trong năm học thứ nhất”, ông Tuấn nói, đồng thời cho biết, theo thống kê trên phần mềm xét tuyển của Bộ GD&ĐT, có 109 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào ngành Giáo dục Tiểu học và 36 thí sinh đăng ký nguyện vọng ngành Giáo dục Mầm non của trường. Trong số này có 29 thí sinh trúng tuyển sớm vào ngành Giáo dục Tiểu học, 10 thí sinh vào ngành Giáo dục Mầm non. Cơ bản những thí sinh này đều đăng ký nguyện vọng 1 là nguyện vọng đã trúng tuyển, có thí sinh đăng ký là nguyện vọng duy nhất. Phía nhà trường đang tích cực giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, từ năm 2022, đào tạo sư phạm do Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu dựa trên đặt hàng của địa phương. 16 trường không giao chỉ tiêu là các trường ĐH, CĐ công lập do địa phương không đặt hàng. Còn các trường ĐH ngoài công lập khi nào có đặt hàng thì Bộ GD&ĐT mới giao chỉ tiêu, nếu không có đặt hàng, nghiễm nhiên không có chỉ tiêu đào tạo. Việc trường thông báo tuyển sinh, xét tuyển khi chưa có chỉ tiêu là sai quy định do đó phải tìm cách khắc phục các hậu quả phát sinh.
Ngoài Trường ĐH Đông Á, một trường ĐH ngoài công lập nữa tại TPHCM cũng không được giao chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non năm 2023 nhưng vẫn thông báo tuyển sinh và đã xét tuyển sớm xong, công bố điểm trúng tuyển đến thí sinh từ rất sớm.