Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG |
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính - cho rằng, việc cải tiến theo hướng thí sinh không phải đăng ký phương thức xét tuyển là cách làm mới, thuận lợi và tạo điều kiện tối đa cho thí sinh. Nếu áp dụng theo cách này, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành hướng dẫn để thí sinh và cơ sở giáo dục đại học nắm được; từ đó vận hành thuần thục hơn.
Ngoài ra, phần mềm hỗ trợ tuyển sinh cũng cần được điều chỉnh nhằm bảo đảm tính chính xác và công bằng cho thí sinh. “Phía Học viện, chúng tôi sẽ chủ động các phương án để có thể bắt nhịp với những điều chỉnh trong công tác tuyển sinh năm nay” - PGS.TS Nguyễn Đào Tùng khẳng định.
Cho rằng, việc thí sinh không cần đăng ký phương thức xét tuyển là ý tưởng tốt, PGS.TS Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương – nhìn nhận, phương án này góp phần giảm thiểu nhầm lẫn, sai sót. Theo đó, thí sinh sẽ được “giải phóng” một số thủ tục đăng ký; bởi suy cho cùng các em chỉ quan tâm đến việc có trúng tuyển vào ngành yêu thích hay không.
Đáng nói, điều chỉnh này cũng không “thêm việc” cho cơ sở giáo dục đại học. Các trường vẫn được tạo điều kiện thuận lợi trong tuyển sinh và quyền tự chủ tiếp tục phát huy. Các trường cần thực hiện đúng quy trình xét tuyển và bám sát theo kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Trao đổi về mặt kỹ thuật, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin: Năm 2023, Bộ GD&ĐT tiếp tục nâng cấp Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm hạn chế những nhầm lẫn không đáng có của thí sinh. Cùng đó, Bộ sẽ tăng cường một số giải pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh và thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển. Mặt khác, đơn giản hóa giao diện đăng ký xét tuyển.
“Bộ GD&ĐT dự kiến, thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo mã xét tuyển/ngành đào tạo mà không cần đăng ký phương thức xét tuyển. Điều này để tránh sự nhầm lẫn mà vẫn đảm bảo thí sinh có thể trúng tuyển ngành học ưu tiên của mình” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi.
Bộ GD&ĐT cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022 và có điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật; trong đó có dự kiến thí sinh đăng ký theo mã xét tuyển/ngành đào tạo mà không cần đăng ký phương thức xét tuyển. Năm 2023, lần đầu tiên quy định mới về cộng điểm ưu tiên có hiệu lực. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.