Thí sinh không nên quá lo lắng vì cấu trúc bài thi đánh giá năng lực ổn định

23/02/2024, 20:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mục tiêu của kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức là, ổn định, phân loại và toàn diện để xét tuyển vào các trường đại học.

Bài thi trên máy khác với trên giấy

Các em hãy chuẩn bị thật tốt, giữ cho mình tâm thế thoải mái, bình tĩnh, tự tin khi bước vào kỳ thi để đạt kết quả tốt nhất.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, từ năm 2021 tới nay, bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tương đối ổn định.

Thí sinh không quá lo lắng bởi cấu trúc bài thi ổn định từ năm 2021 đến nay, gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực: Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học tự nhiên - xã hội (50 câu hỏi, 60 phút). Phần 1 và phần 3 sẽ có thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.

Thí sinh, phụ huynh và nhiều người trong xã hội đã biết, làm quen với cấu trúc của bài thi đánh giá năng lực. Điều này cũng là thế mạnh, giúp thí sinh dự thi năm 2024 tự tin và có nhiều thông tin để tham khảo về bài thi đánh giá năng lực hơn những năm trước đây.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, bài thi đánh giá năng lực có những yêu cầu khác hẳn với các bài thi kiểm tra kiến thức thông thường về cách bố trí câu hỏi, đặt câu hỏi. Có những điều tưởng như đơn giản nhưng thí sinh rất dễ mắc sai lầm, dẫn đến điểm chưa cao.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý: Đây là kỳ thi làm bài trên máy tính. Khác với bài thi trên giấy, bài thi trên máy tính, câu hỏi xuất hiện ngẫu nhiên, không sắp xếp theo trật tự từ dễ đến khó. Các câu hỏi sẽ xuất hiện lần lượt, đồng thời. Do đó, thí sinh cần cân đối, tính toán thời gian tối thiểu/câu hỏi (bài thi kéo dài 195 phút).

Thông thường, thí sinh sẽ tính nhẩm khoảng 77 giây cho một câu hỏi. Tuy nhiên, trong bài thi sẽ có câu dễ và khó. Với những câu dễ, thí sinh nên cố gắng kết thúc từ 20 đến 40 giây, không đợi đến 70 giây mới kết thúc. Những câu hỏi khó hơn, có thể kéo dài thời gian tới 2 phút, thậm chí gần 3 phút.

Với phần tư duy khoa học và phần Toán học, đáp án, số liệu đòi hỏi tính chính xác cao. Phần tư duy định tính, Văn học và ngôn ngữ sẽ có những câu hỏi trừu tượng. Thí sinh hãy sắp xếp làm bài và chọn phương án trả lời phù hợp nhất nếu chưa yên tâm.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ trong chương trình Tư vấn tuyển sinh do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức. Ảnh: Quốc Việt.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ trong chương trình Tư vấn tuyển sinh do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức. Ảnh: Quốc Việt.

Tìm hiểu kỹ về kỳ thi và có chiến lược làm bài

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý, trong bài thi sẽ có những phần gợi mở, những đáp án đối ngược lại nhau. Chúng ta biết rằng, nếu không có câu trả lời chính xác hoàn toàn như mình tin tưởng thì từ những đáp án còn lại sẽ gợi mở cho chúng ta tư duy logic để suy luận, quyết định câu trả lời nào là phù hợp nhất. Đây cũng là xác suất tương đối cao để đánh giá khả năng tư duy, phân tích của thí sinh.

Thực tế, những thí sinh có cách làm và tiết kiệm thời gian đều đạt điểm cao trong thời gian qua. Đặc biệt, những thí sinh đạt điểm cao nhất thường đến từ khu vực 2 và khu vực 2 nông thôn, không phải khu vực thành thị. Các em đều ôn tập và tìm hiểu rất kỹ về kỳ thi cũng như chiến lược làm bài.

Hiện, học sinh đã bước sang học kỳ II. Sau Tết Nguyên Đán là thời điểm thí sinh quan tâm nhiều hơn đến tất cả kỳ thi. Vì vậy, ở thời điểm này thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh chính thức của các trường.

Với kỳ thi đánh giá năng lực, nếu còn băn khoăn, các em hãy hỏi trực tiếp đơn vị tổ chức thi, tìm hiểu thông tin từ những phương tiện thông tin đại chúng chính thống.

Đến thời điểm này, tất cả địa điểm thi đánh giá năng lực đều đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đề ra. Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực. Đợt thi đầu tiên vào ngày 23/3, đợt cuối cùng vào ngày 2/6, diễn ra tại 17 cơ sở giáo dục đào tạo thuộc 11 tỉnh thành. Điểm xa nhất là Hà Tĩnh. Các đợt đăng ký diễn ra từ ngày 18/2 đến 6/3 để phục vụ thí sinh tham gia dự thi.

Dự kiến lịch thi Đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dự kiến lịch thi Đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội giữ nguyên hình thức đăng ký và cách thức tổ chức thi. Tuy nhiên, có tăng quy mô, số lượng thí sinh tham gia dự trong các đợt thi.

“Bên cạnh đó, chúng tôi điều chỉnh thời gian diễn ra các đợt thi để thí sinh có thời gian học tập tốt nhất trước khi quyết định đăng ký dự thi và lựa chọn trường đại học dựa trên kết quả thi của mình” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh.

Năm 2023, có gần 70 trường đại học đã đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm nay, có thêm một số trường đại học khu vực phía Bắc tiếp tục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi như: Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học Hoa Lư (Ninh Bình),…

Ngoài ra, 17 trường đại học của khối quân đội có văn bản chính thức đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép khai thác, sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào.

Hiện có khoảng gần 100 trường đại học khu vực phía Bắc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển đầu vào. Ngoài ra, một vài trường đại học khu vực phía Nam tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi này.

Bài liên quan
Phổ điểm bài thi Đánh giá năng lực của ba đợt đầu tiên năm 2024
Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA) do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đã tiếp nhận hơn 104.000 lượt đăng ký dự thi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí sinh không nên quá lo lắng vì cấu trúc bài thi đánh giá năng lực ổn định