Thí sinh phân vân mạo hiểm chọn ngành mới hay an toàn với ngành cũ

20/03/2023, 14:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khi các trường đại học mở ngành học mới, không ít thí sinh đang băn khoăn nên chọn ngành mới đầy tiềm năng hay chọn ngành cũ an toàn.

Nhiều trường đại học mở ngành gắn với công nghệ, chuyển đổi số nhằm đón đầu xu thế. Ảnh: Ngọc Bích.

Những năm gần đây, bên cạnh việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành chủ lực, nhiều trường đại học cũng thông báo tuyển thêm một số ngành mới, tập trung vào 2 xu hướng: Đi trước đón đầu và có nhu cầu cao về lao động.

Nắm bắt xu thế, năm 2023, nhiều trường đại học mở mới các ngành gắn với công nghệ, chuyển đổi số.

Nhiều ngành học mới hướng đến công nghệ, kinh tế số

Ở khu vực phía bắc, năm 2023, Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 50 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có các ngành/chương trình đào tạo dự kiến mở mới là Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.

Đại học Ngoại thương sẽ mở 2 ngành mới được đào tạo tại trụ sở chính là Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế.

Trong khi đó, Đại học Thương mại đào tạo thêm 5 chương trình đào tạo mới, bao gồm chuyên ngành Phân tích kinh doanh trong môi trường số (ngành Kinh tế số), Tiếng Trung thương mại, Quản trị khách sạn, Marketing thương mại và Thương mại quốc tế. Trong đó, 3 ngành sau thuộc chương trình chất lượng cao.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển sinh mới một số ngành, chương trình đào tạo như Kinh tế số, Truyền thông và Quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin (hướng ứng dụng); Marketing theo định hướng Marketing số (chương trình chất lượng cao).

Các trường đại học khu vực phía nam cũng công bố bổ sung thêm nhiều ngành học mới trong mùa tuyển sinh năm nay. Đại học Kinh tế TP.HCM thông báo mở mới 5 chương trình gắn liền với kỷ nguyên số bao gồm Công nghệ tài chính (Fintech); Marketing công nghệ (Martech); Kinh doanh số (Digital business); Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI); Kỹ sư Công nghệ Logistic (Logtech).

Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM mở 4 ngành mới là Công nghệ tài chính, Luật, Thương mại điện tử và Khoa học dữ liệu.

Các ngành mở mới dựa trên nhu cầu xã hội

Trao đổi với Zing, ThS Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Thương mại, cho biết các chương trình chất lượng cao mới mở phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Theo đó, nhu cầu của người học các chương trình này lớn, đồng thời nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở nên cấp thiết.

Đối với chương trình Phân tích kinh doanh trong môi trường số, trên cơ sở các ngành Kinh tế, Đại học Thương mại định hướng tiên phong trong chuyển đổi số, đón đầu các xu thế phát triển. Vì vậy, chương trình đào tạo mới được xây dựng theo hướng đa ngành, gắn với công nghệ và chuyển đổi số.

"Nhu cầu về phân tích dữ liệu kinh doanh trong môi trường kinh tế rất lớn. Trong khi đó, nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp là chưa có, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các phần mềm. Đăng ký ngành này, các em có cơ hội việc làm lớn trong tương lai", ThS Trung nói.

Tương tự, bà Đỗ Hải Yến, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Bưu chính Viễn thông, cho biết nhà trường mở ngành mới dựa trên nhu cầu xã hội, đặc thù của mỗi ngành nghề cũng như đặc thù của trường.

Nhiều năm nay, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có thế mạnh trong việc đào tạo tích hợp lĩnh vực công nghệ và kinh tế, gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế công nghệ, kinh tế số.

Qua trao đổi, TS Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp Hà Nội, cũng cho biết việc lựa chọn các ngành mới dựa trên nhu cầu xã hội, đồng thời căn cứ theo thế mạnh của nhà trường là đào tạo các khối ngành công nghệ, kỹ thuật.

nganh hoc moi anh 1

Nhiều thí sinh còn lo ngại về cơ hội nghề nghiệp của các ngành học mới. Ảnh: Ngọc Bích.

Chọn ngành mới liệu có mạo hiểm?

Theo ThS Nguyễn Quang Trung, hiện tại, các ngành mở mới của Đại học Thương mại được nhiều thí sinh quan tâm tìm hiểu. Tuy nhiên, nhiều em còn lo ngại về cơ hội nghề nghiệp trong 4-5 năm tới, chất lượng đào tạo của trường, liệu các em có nên mạo hiểm để chọn các ngành học này.

Ông Trung cho biết khi mở ra một ngành mới, bao giờ các trường đại học cũng có nghiên cứu, khảo sát nhu cầu việc làm ít nhất 5-7 năm tới.

"Không trường đại học nào cảm nhận ngành học đó đang hot và mở ra. Những ngành học mới đều phải được nghiên cứu kỹ càng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực giảng dạy rồi mới tuyển sinh", ông Trung nói và khẳng định các em hoàn toàn có thể yên tâm về cơ hội việc làm.

Bên cạnh đó, ông Trung nhận định những ngành mới thường có điểm chuẩn thấp hơn so với những ngành khác, đây có thể coi là lợi thế với thí sinh khi đăng ký bởi chỉ vài năm tới, khi ngành học này hot, điểm chuẩn sẽ rất cao.

Ví dụ, ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng của Đại học Thương mại chỉ mới mở 3-4 năm trước, nhưng hiện tại nó đã trở thành ngành hot nhất của trường.

"Các em cần đánh giá năng lực, tính cách để chọn ngành cho phù hợp. Với những ngành mới, các em có ít thông tin hơn. Tuy nhiên, nếu thích công nghệ, ưa đổi mới, sáng tạo, các em có thể mạnh dạn lựa chọn", ông Trung khuyên.

Tương tự, bà Đỗ Hải Yến đánh giá tương ứng với rủi ro chính là thời cơ cho các bạn sinh viên khi đăng ký ngành học mới.

"Khi sinh viên chấp nhận bỏ qua các nguy cơ, sẵn sàng thử sức với lĩnh vực mới, 4-5 năm tới, các em có những lợi thế hơn so với các bạn chỉ học ngành kinh tế thông thường", bà Yến nói.

Trong khi đó, TS Thân Thanh Sơn nhận định các ngành truyền thống sẽ có phần an toàn hơn với thí sinh. Tuy nhiên, với những ngành mới, thí sinh có cơ hội trải nghiệm, khám phá, khai phóng bản thân.

TS Sơn lưu ý khi lựa chọn ngành nghề, đam mê, sở thích chỉ là một phần, thí sinh nên đánh giá năng lực, tố chất của bản thân để có sự lựa chọn phù hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí sinh phân vân mạo hiểm chọn ngành mới hay an toàn với ngành cũ