Thí sinh sử dụng thiết bị siêu nhỏ để gian lận như thế nào?

18/04/2023, 09:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thí sinh sử dụng tai nghe và camera siêu nhỏ gắn trên cúc áo để quay đề bài và nghe lời giải. Cơ quan công an đã phối hợp với nhân viên y tế để lấy thiết bị từ trong tai thí sinh ra.

Các thiết công nghệ được thí sinh sử dụng để gian lận. Ảnh: Tiền Phong.

Đó là một trong rất nhiều trường hợp gian lận tinh vi được đại diện Cục A03, Bộ Công an, cho hay tại Hội nghị tập huấn về công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tổ chức tại Đà Nẵng ngày 17/4.

Hội nghị có hơn 400 đại biểu tham dự đến từ các Sở GD&ĐT, công an các tỉnh thành, Ban chỉ đạo kỳ thi cấp quốc gia…

Theo Cục A03, tình trạng sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận được phát hiện nhiều qua các kỳ thi. Năm 2022, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Công an TP Hải Phòng đã triệt xóa đường dây mua bán thiết bị công nghệ cao, thu giữ 15 bộ thiết bị tai nghe siêu nhỏ, mỗi chiếc tai nghe kích thước khoảng 2 mm.

Ngay trong kỳ thi, nhiều tỉnh thành cũng đã phát hiện thí sinh gian lận bằng thiết bị công nghệ đầy tinh vi. Tại Quảng Ninh, thí sinh sử dụng tai nghe và camera siêu nhỏ gắn trên cúc áo để quay đề bài và nghe lời giải. Sau khi phát hiện, cơ quan công an đã phối hợp với nhân viên y tế để lấy thiết bị siêu nhỏ từ trong tai thí sinh ra. Thiết bị gian lận này được thí sinh mua từ các đối tượng buôn bán trên Zalo với giá 1,5 triệu đồng.

Trong khi đó, tại Hải Phòng, trong giờ thi môn Ngữ Văn, một thí sinh đã dùng kính bluetooth gắn với tai nghe siêu nhỏ, kết nối với thiết bị bên ngoài để nghe lời giải.

Nhiều trường hợp khác lợi dụng sơ hở của cán bộ coi thi đã dùng điện thoại di động chụp hình đề thi gửi lên mạng nhờ giải hộ.

Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Cục A06, Bộ Công An, cho hay về cơ bản, thí sinh thường sử dụng hai thiết bị gian lận trong phòng thi là tai nghe siêu nhỏ và thiết bị thu, phát. Những chiếc tai nghe có kích thước chỉ vài mm, bé như hạt đậu được nhét vào tai rất khó phát hiện. Thiết bị thu phát được nguỵ trang dưới đồng hồ, mắt kính, vòng đeo tay….

Theo thượng tá Thái, dấu hiệu để nhận ra các thí sinh gian lận là hay mang áo dài tay, bất kể trời nắng nóng, tóc tai lùm xùm.

“Những thí sinh này thường không tập trung làm bài, suốt buổi quan sát, canh chừng giám thị. Trong giờ thi, các em hay đọc đề lẩm nhẩm hoặc đọc ra thành tiếng, mục đích là để truyền cho thiết bị bên ngoài. Mắt thường nhìn vào đồng hồ, bàn tay…”, thượng tá Thái chỉ thêm đa phần những tai nghe siêu nhỏ được gắn vào tai phải, do khi viết nghiêng đầu gắn vào tai bên trái rất dễ rơi.

Tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhìn nhận kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi rất quan trọng, đầy khó khăn, phức tạp, nhạy cảm và áp lực. Dù chỉ diễn ra trên toàn quốc trong 2 ngày nhưng công tác chuẩn bị, từ in sao đề thi, coi thi, chấm thi, lên điểm, phúc khảo… mất gần 2 tháng.

“Tập huấn, trao đổi, tháo gỡ, thực hành kỹ lưỡng, khi tổ chức thực hiện, chúng ta sẽ chủ động hơn. Chúng tôi yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên phục vụ, tham gia tổ chức kỳ thi đều phải được tập huấn về quy chế thi, hướng dẫn thi và tập huấn sâu về chức trách nhiệm vụ của mình. Không một cán bộ nào tham gia vào các công đoạn của kỳ thi tốt nghiệp THPT lại không nắm vững quy chế, hướng dẫn thi, liên quan trực tiếp đến chức trách, nhiệm vụ của mình”, thứ trưởng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí sinh sử dụng thiết bị siêu nhỏ để gian lận như thế nào?