PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). |
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, phương án thi 4 môn là phù hợp với triết lý lấy người học làm trung tâm, tôn trọng sự phát triển đa trí thông minh, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo và hội nhập quốc tế.
Trước đây, tất cả các môn thi do Nhà nước chọn, học sinh buộc phải thi những môn đó không phân biệt thiên hướng nghề nghiệp. Còn từ năm 2025, học sinh phải thi 2 môn học đại diện cho những năng lực tư duy tối cơ bản của một người trưởng thành.
Đó là năng lực tư duy định lượng (Toán học), năng lực tư duy ngôn ngữ định tính (Văn học) và các em được quyền lựa chọn 2 môn theo sở thích, năng lực, thiên hướng nghề nghiệp mà bản thân dự định xét tuyển các trường cao đẳng hay đại học.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Nam Định. |
Sử dụng phương thức thi 4 môn cũng sẽ thay đổi quan niệm về khối thi truyền thống. Điều này có thể phù hợp với thực tiễn rất nhiều ngành nghề mới ra đời trong thị trường lao động, các chương trình đào tạo mới mà các cơ sở giáo dục đang xây dựng mang tính "xuyên ngành" kết hợp cả khoa học tự nhiên, xã hội và công nghệ.
So sánh về các môn thi tốt nghiệp ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ sẽ thi Tiếng Trung, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật và tổ hợp các môn khác như Toán, Tiếng Anh, một môn khoa học hoặc khoa học xã hội nhân văn.
Hệ thống thi tốt nghiệp Abitur ở Đức sẽ gồm các môn bắt buộc là Ngữ Văn và Toán với các môn chuyên ngành được lựa chọn theo sở thích như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ cùng nhiều lựa chọn khác kết hợp với đánh giá năng khiếu và kỹ năng toàn diện khác của cá nhân như năng lực lãnh đạo, tự quản, làm việc nhóm, phân tích giải quyết vấn đề.
PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 về cơ bản cũng đã tiếp thu và tiệm cận đến với các phương án tổ chức thi tốt nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới.
"Nếu chúng ta coi trọng tư duy phản biện thì yêu cầu bắt buộc đối với Ngoại ngữ cũng là cách để rèn luyện kỹ năng giao tiếp và nâng cao năng lực tư duy phản biện. Tuy nhiên, với bối cảnh của Việt Nam sẽ khó khăn cho nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa mà tiếng Kinh không phải là tiếng mẹ đẻ, phải thi bắt buộc môn Tiếng Anh sẽ tạo ra nhiều căng thẳng và bất bình đẳng giữa học sinh vùng thuận lợi và những vùng khó khăn" - PGS.TS Trần Thành Nam trao đổi thêm.