Tuy nhiên, thời gian tới, các bộ, ban ngành và địa phương vẫn cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định để tăng nguồn cung về nhà ở, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cơ quan tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua...
Theo TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Đằng sau đó là sự thiếu quyết tâm của nhiều địa phương khiến dự án chưa được gỡ khó để triển khai.
Ông Đính cho biết, những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thời gian qua đã có tác động tích cực. Trong quý I, đã có gần 3.000 sản phẩm giao dịch và sang quý II con số này đã tăng thêm 30%.
“Niềm của nhà đầu tư đã dần được phục hồi. Tuy vậy, việc cải thiện nguồn cung nhà ở mới và sự ổn định của tâm lý của người mua vẫn đang diễn ra chậm chạp, cần nhiều thời gian hơn”, ông Đính nói.
TS Nguyễn Văn Đính kỳ vọng, trong giai đoạn cuối năm 2023 đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực hơn.
Còn TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia - nhận định, thị trường bất động sản có thể khó khăn kéo dài đến quý II, quý III sang năm. Theo TS Nghĩa, các giải pháp gỡ khó cho bất động sản hiện vẫn chưa đánh trúng “tâm bão”, đó là đẩy được cung nhà ở giá rẻ.
“Để đẩy được nguồn cung giá rẻ phải xây dựng được cơ chế để các doanh nghiệp tích cực tham gia. Chúng ta chưa tạo được mặt bằng giá nhà ở chưa giải quyết được khủng hoảng thị trường”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.