Thời sự

Thị trường chứng khoán “quay xe” sau mốc 1.300 điểm: Người lãi lớn, kẻ “choáng váng”

17/06/2024 09:16

Sau khi vượt mốc 1.300 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh trong phiên giao dịch 14/6 khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng. Trong khi đó, không ít người hoan hỉ vì đã tranh thủ chốt lời trước khi thị trường lao dốc.

Thị trường chứng khoán “quay xe” sau mốc 1.300 điểm: Người lãi lớn, kẻ “choáng váng”

Sau khi vượt mốc 1.300 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh trong phiên giao dịch 14/6 khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng. Trong khi đó, không ít người hoan hỉ vì đã tranh thủ chốt lời trước khi thị trường lao dốc.

VN-Index vượt 1.300 điểm, nhà đầu tư hoan hỉ chốt lời

Ở thời điểm thị trường vàng chững lại khi giá giao dịch được các đơn vị kinh doanh niêm yết ở mốc 74,98 triệu đồng/lượng - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) trong nhiều ngày liên tiếp, thì thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu thăng hoa khi dòng tiền lớn đổ vào.

Ấn tượng nhất là phiên giao dịch chiều 12/6 vừa qua, khi dòng tiền đột ngột đổ vào thị trường nửa cuối phiên chiều kéo hàng loạt cổ phiếu bứt phá mạnh. Chốt phiên, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.301,35 điểm, tăng 15,78 điểm (1,23%). Mốc điểm này cũng là mức cao nhất từ giữa năm 2022. Chỉ số VN30 tăng hơn 23 điểm (1,8%), đạt 1.331,81 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng giữ sắc xanh.

Đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm chỉ số VN-Index vượt mốc 1.300 điểm bởi lần gần nhất chỉ số VN-Index chạm 1.300 điểm là phiên 8/6/2022.

Tuy nhiên, nhịp tăng dứt khoát của thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày qua vẫn nhờ chủ yếu vào các mã lớn. Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng để lại dấu ấn cho phiên tăng điểm chiều 12/6.

“Mốc 1.300 điểm là ngưỡng nhiều người mong chờ. Tổng danh mục đầu tư của tôi với 7 mã cổ phiếu, tính đến nay đều tăng trưởng ở mức 2 con số, trong đó một mã tăng hơn 40%” – Anh Lương (nhà đầu tư Hà Nội).

Nhiêu nhà đầu tư đã tranh thủ chốt lời khi VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong phiên chiều 12/6 - Ảnh minh họa

Nhiêu nhà đầu tư đã tranh thủ chốt lời khi VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong phiên chiều 12/6 - Ảnh minh họa

Theo dõi thị trường trong thời gian dài, khi VN-Index đóng cửa ở mốc trên 1.300 điểm, chị Kim Hiền (Hà Nội) chia sẻ: “Đây là ngưỡng nhiều người mong chờ. Tôi cũng mong chờ từ lâu lắm rồi, tôi tin thị trường sẽ tiếp tục đạt những mốc mới tiếp theo”.

Tương tự, anh Lương một nhà đầu tư khác tại Hà Nội cũng hoan hỉ chia sẻ: “Mình nuôi tất cả 7 mã và chỉ trung thành với 2 ngành, trong đó có 4 cổ phiếu thuộc nhóm ngành ngân hàng. Phiên giao dịch ngày 12/6, cho thấy lực của nhóm ngành ngân hàng còn rất tốt. Mình tin, sóng bank sẽ vẫn còn kéo dài”.

Cũng theo nhà đầu tư này, anh xác định tiếp tục đầu tư trong dài hạn. Trong số các cổ phiếu đầu tư, dù tổng danh mục tăng trưởng ở mức 2 con số và một mã tăng hơn 40%, nhưng vì xác định đầu tư trong dài hạn nên anh quyết định vẫn chưa “chốt lời”.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư thì tỏ ra hoài nghi và cho rằng, lãi suất tăng thì chứng khoán phải giảm, không có cá mập nào có thể đi ngược xu hướng vĩ mô được, do đó đã tranh thủ chốt lời trong ngày chỉ số VN-Index vượt mốc 1.300 điểm.

Anh Linh (Nam Định) chia sẻ, anh đã tranh thủ chốt lời 8.300 cổ phiếu TPB trong phiên giao dịch chiều 13/6 khi mã cổ phiếu này giao dịch ở mức 19.000đ/cổ phiếu. Theo anh Linh, đây là khoản đầu tư cuối tháng 5 của mình với mức giá vốn 17.600đ/cổ phiếu.

“Tôi đã tranh thủ chốt lời 10.000 cổ phiếu HVN ở mức giá 29.000đ/cổ phiếu. Thời điểm cuối tháng 3, mức giá vốn của cổ phiếu này là 13.350đ/cổ phiếu” - anh Hải (nhà đầu tư Bắc Ninh).

Tương tự, anh Hải một nhà đầu tư tại Bắc Ninh, chia sẻ bản thân cũng thu được khoản lãi đáng kể từ cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam khi chỉ số VN-Index vượt mốc 1.300 điểm. Anh Hải cho biết cuối tháng 3/2024 anh xuống tiền mua 10.000 cổ phiếu HVN ở mức giá 13.350đ/cổ phiếu. Sau khi chỉ số VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong phiên chiều 12/6, anh đã quyết định chốt lời khoản đầu tư của mình trong phiên giao dịch 13/6 khi HVN giao dịch ở mức giá 29.000đ/cổ phiếu.

Nhà đầu tư choáng váng khi VN-Index quay đầu giảm mạnh

Sau khi vượt mốc 1.300 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên điều chỉnh mạnh trong phiên 14/6 khi áp lực bán tháo của các nhà đầu tư khiến chỉ số giảm mạnh về cuối phiên.

Theo đó, bắt đầu từ 14h20 ngày 14/6, lực bán gia tăng đột biến khiến thị trường "bốc hơi" 21,6 điểm vào cuối phiên lùi về mốc 1.279 điểm và đóng cửa tuần ở mức này, đánh mất hoàn toàn số điểm tăng trong tuần. Toàn thị trường có 591 mã cổ phiếu giảm giá, trong đó 28 mã giảm sàn. Thị trường có 671 mã cổ phiếu đứng giá chỉ có 255 mã tăng và 59 mã cổ phiếu tăng trần.

Thanh khoản sàn HoSE duy trì ở mức cao kể từ đầu tháng 6

Thanh khoản sàn HoSE duy trì ở mức cao kể từ đầu tháng 6

14h20 ngày 14/6, lực bán gia tăng đột biến khiến thị trường "bốc hơi" 21,6 điểm vào cuối phiên lùi về mốc 1.279 điểm và đóng cửa tuần ở mức này, đánh mất hoàn toàn số điểm tăng trong tuần.

Trước diễn biến đảo chiều của thị trường, nhiều nhà đầu tư không khỏi hoang mang, lo lắng. Chị Hà Phương (nhà đầu tư 45 tuổi) thảng thốt chia sẻ: “Tôi cứ nghĩ mình nhìn nhầm bảng điện, phải dụi mắt vài lần mới trở về thực tại quá thảm khi thấy thị trường mất hơn 21 điểm”.

Tương tự như chị Hà Phương, nhiều nhà đầu tư bận công việc không xem được bảng điện tử kể từ 14h chiều có lẽ sẽ phải “dụi mắt” rồi mới dám tin vào sắc màu trên bảng. Nói như thế để thấy rằng, thị trường hôm 14/6 thay đổi trạng thái rất nhanh.

“Tôi cứ nghĩ mình nhìn nhầm bảng điện, không thể tin thị trường mất hơn 21 điểm nhanh như vậy” – chị Hà Phương, nhà đầu tư 45 tuổi.

Chứng kiến phiên “quay xe” giảm hơn 21 điểm, ông Trần Hoàng Sơn - giám đốc chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS - cho biết thị trường xuất hiện áp lực bán dồn dập cuối phiên, nhiều nhà đầu tư không khỏi bất ngờ.

Theo ông Sơn, nhiều yếu tố lớn tác động lên thị trường ngày 14/6. Thứ nhất, VN-Index vừa vượt mốc 1.300 điểm. Đây là ngưỡng cản rất mạnh, cả về tâm lý lẫn kỹ thuật, áp lực bán chốt lời lớn. Thứ hai, khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên này. Dù khối lượng không quá lớn nhưng động thái rút ròng quyết liệt khối này vẫn gây áp lực lên thị trường chung.

Thị trường chứng khoán quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch 14/6 - Ảnh chụp màn hình

Thị trường chứng khoán quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch 14/6 - Ảnh chụp màn hình

Ông Sơn quan sát, động thái bán ròng khối ngoại tác động đến nhóm cổ phiếu bluechip, trong khi nhóm nhà đầu tư trong nước chốt lời mạnh nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sau khi nhóm này tăng "nóng" một thời gian.

Và thứ ba theo ông Sơn, xuất hiện thông tin truyền miệng về động thái hạ bớt tỉ trọng margin "kho ngoài" ở một số công ty chứng khoán.

Về chiến lược đầu tư, ông Sơn khuyến nghị nhà đầu tư nên cân bằng giữa trạng thái tiền và cổ phiếu. Với nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn, tỉ trọng tiền và cổ phiếu có thể 50 - 50%.

Với tỉ trọng trên, khi thị trường điều chỉnh sẽ là cơ hội cơ cấu danh mục, tìm điểm mua ở nhóm cổ phiếu có khả năng dẫn sóng tiếp như ngân hàng - chứng khoán - thép. Còn với nhà đầu tư trung hạn, có thể tái cấu trúc danh mục hợp lý với tâm điểm là kết quả kinh doanh quý 2.

Nhà đầu tư nên mua vào hay bán ra?

Trước diễn biến đảo chiều của thị trường, nhiều người băn khoăn không biết nên mua vào hay bán ra. “Chứng kiến thị trường thăng hoa, nếu mua vào thì sợ "đu đỉnh", còn bán hết cổ phiếu trên đường tăng thì lại sợ "mất hàng". Tôi đã lãi 13% với cổ phiếu PVC và 20% cổ phiếu PVT nhưng không biết nên bán hay giữ. Bán thì sợ thị trường sẽ lên tiếp, cổ phiếu lên mà mình ôm tiền. Còn giữ thì sợ lại có một cú rơi làm mất hết thành quả"- ông Phạm Văn T. (quận 5, có tài khoản chứng khoán ở Công ty CP Chứng khoán VPS) phân vân.

“Nhà đầu tư cần cân nhắc chốt lời với những mã đã đạt kỳ vọng. Nếu đang giữ cổ phiếu không có tiềm năng thì nên mạnh dạn bán, thay đổi danh mục” – Đại diện Công ty CP Chứng khoán VPS.

Nhà đầu tư phân vân khi thị trường quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua - Ảnh minh họa

Nhà đầu tư phân vân khi thị trường quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua - Ảnh minh họa

Một trưởng phòng môi giới Công ty CP Chứng khoán VPS cũng cho biết rất nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về việc chốt lời hay giữ và mua thêm. Tuy nhiên, với quan điểm của mình, trưởng phòng môi giới này cho rằng VN-Index đã lên 1.300 điểm nên rủi ro chốt lời ngắn hạn vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc chốt lời với những mã đã đạt kỳ vọng. Nếu đang giữ cổ phiếu không có tiềm năng thì nên mạnh dạn bán, thay đổi danh mục…

Trong khi đó, thông tin thời gian tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể hạ lãi suất được cho là sẽ hỗ trợ thị trường tạo thêm sóng mới và VN-Index có thể đi xa hơn. Nếu đủ lực, dòng tiền mạnh, khối ngoại không bán ròng thì thị trường sẽ tiếp tục bứt phá.

Công ty CP Chứng khoán Asean cho rằng sự phân hóa vẫn duy trì ở mức cao khi động lực tăng trước ngưỡng 1.300 đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Còn các cổ phiếu vốn nhỏ và vừa vẫn đang ở trạng thái cân bằng ở vùng trung bình 20 phiên. Vì vậy, thị trường đang ở trạng thái đủ an toàn để tích lũy cổ phiếu và việc chọn lựa cổ phiếu có lợi nhuận ổn định để lướt sóng vẫn có thể tính đến.

“Xu hướng điều chỉnh của VN-Index mang tính chất ngắn hạn và khả năng sẽ hồi phục về vùng 1.300” - chuyên gia công ty chứng khoán SSI nhận định.

Sau phiên lao dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam chiều 14/6, chuyên gia công ty chứng khoán SSI nhận định VN-Index đã không giữ vững được ngưỡng tâm lý 1.300 và đảo chiều về vùng tích luỹ 1.278 -1.279. Các chỉ báo kỹ thuật RSI, ADX duy trì trung tính. Như vậy, xu hướng điều chỉnh của VN-Index mang tính chất ngắn hạn. Chỉ số dự kiến dao động quanh vùng 1.278 - 1.279 và khả năng hồi phục về vùng 1.300.

Các chuyên gia kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục được đổ vào thị trường chứng khoán

Các chuyên gia kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục được đổ vào thị trường chứng khoán

Ở góc nhìn thận trọng hơn, TS Lê Đạt Chí, Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng giai đoạn này thị trường đang hưng phấn. Nhà đầu tư cân nhắc chốt lời bảo toàn thành quả là không sai. Ngoài ra, thời gian này áp lực tỉ giá có thể gây ra áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài nên khó cho trụ đỡ của nhà đầu tư trong nước.

Thực tế, những phiên giao dịch gần đây đã cho thấy đà tăng giá thị trường cũng khá chật vật. Trước áp lực tỉ giá và lãi suất tăng càng bất lợi cho chứng khoán Việt Nam trước mắt nhưng cũng là cơ hội để tích lũy những khoản đầu tư tốt, sinh lời của cổ phiếu ngành ngân hàng. Vì vậy, nhà đầu tư có kiến thức về chứng khoán có thể xem xét thay vì gửi tiền ngân hàng sẽ tham gia mạnh mẽ khi giá cổ phiếu ngân hàng giảm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, không phủ nhận, phiên thứ sáu là phiên giảm mạnh bất ngờ, tuy nhiên, mới có một phiên chưa đủ tín hiệu để khẳng định điều gì. VN-Index giảm hơn 21 điểm thì có phải phiên “retest” đỉnh hay không còn tuy quan điểm, nhưng thực thế đã đưa VN-Index quay về vạch xuất phát đầu tuần. Thị trường vẫn cần thêm thời gian để khẳng định thị trường điều chỉnh trở lại hay chỉ là phiên “rũ hàng” mạnh để kiểm định lại mức đỉnh. Trong bối cảnh này, với nhà đầu tư bán bằng mọi giá hay mua đuổi đều chưa chắc đã sáng suốt, quan trọng là danh mục đang nắm giữ có an toàn hay không.

Bài liên quan
Đề xuất công bố xếp hạng chung cư: Tăng tính minh bạch thị trường
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) kiến nghị về việc bắt buộc chủ đầu tư phải đăng ký xếp hạng chung cư và công bố trước khi huy động vốn, mở bán.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường chứng khoán “quay xe” sau mốc 1.300 điểm: Người lãi lớn, kẻ “choáng váng”