GS.TS.VS Đào Trọng Thi. Ảnh: INT |
Trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, tôi tán thành việc tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng cho trường phổ thông công lập và mầm non. Giáo dục muốn phát triển, cần có đội ngũ hiệu trưởng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám đổi mới.
Chủ trương hoàn toàn tốt nhưng quan trọng việc tổ chức thi cử cần minh bạch, khách quan, tránh hiện tượng tiêu cực. Muốn vậy, phải có quy trình tổ chức chặt chẽ, nghiêm chỉnh. Cần nhấn mạnh rằng, chúng ta mong muốn tuyển được nhân tài chứ không phải tuyển cho có một hiệu trưởng. Vì vậy, việc tổ chức thi tuyển phải thực tâm để có được những “thuyền trưởng” giỏi cho các cơ sở giáo dục.
Người tham gia ứng tuyển vị trí hiệu trưởng cần có đề án phát triển nhà trường. Ở vòng thẩm định, phản biện đề án của người ứng tuyển, ngoài các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cần có sự tham gia của đại diện giáo viên. Theo đó, giáo viên được cho ý kiến, phản biện và được bỏ phiếu. Nói cách khác, nên cho phép giáo viên được lựa chọn lãnh đạo của mình thay vì chỉ có đội ngũ cơ quan quản lý Nhà nước lựa chọn.
Riêng với khâu đánh giá năng lực chuyên môn, quản lý và những yêu cầu chuyên sâu khác, cần có hội đồng đánh giá. Thành viên hội đồng này phải là những người có năng lực và kinh nghiệm thực tiễn.
Về tiêu chuẩn đối với các ứng cử viên, tôi cho rằng nên có những quy định mang tính bắt buộc. Tất nhiên, chỉ nên quy định những tiêu chuẩn thật sự cần thiết và có tính ổn định lâu dài. Các quy định này phải được thông báo sớm, công khai để những ai có ý định tham gia thi tuyển vào chức danh hiệu trưởng có thời gian chuẩn bị, tránh gấp gáp hoặc “đánh đố” các ứng tuyển viên.
GS.TS Phạm Tất Dong. Ảnh: INT |
Tôi ủng hộ và hoan nghênh hình thức thi tuyển hiệu trưởng, bởi họ được xem là “thuyền trưởng”, đầu tàu tổ chức và điều hành mọi hoạt động giáo dục của nhà trường. Lẽ tất nhiên, việc thi tuyển phải thực chất, công tâm, khách quan để bảo đảm tuyển được “thuyền trưởng” có tài năng thực sự. Tức là, hiệu trưởng phải là người có tâm và tầm. Đặc biệt, phải có tầm nhìn xa, có quyết sách đúng đắn và tâm huyết với nghề. Ngoài việc, nâng cao chất lượng dạy - học, hiệu trưởng phải biết quan tâm đến đời sống của giáo viên, tạo động lực để đội ngũ phát triển nghề nghiệp…
Các địa phương phải đưa ra khung tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng. Mọi tiêu chuẩn đều xoay quanh hai yếu tố: Tài và đức. Bất kỳ ai đạt được tiêu chuẩn đều có thể ứng tuyển. Song các tiêu chuẩn cũng không nên cứng nhắc, “đóng khung” ở một số yếu tố, mà cần có sự linh hoạt, với độ “mở” nhất định.
Trong quá trình thi tuyển, phải có hội đồng đánh giá một cách công minh và chuẩn xác. Thành viên trong hội đồng phải là người có năng lực, trách nhiệm, uy tín với học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp… Đặc biệt, mọi quy trình thi tuyển cần được công khai minh bạch, rõ ràng. Nội dung thi phải đánh giá được tổng thể năng lực quản trị của người dự thi. Tức là, các ứng viên phải thi cả phần lý thuyết, thực hành và nghe phản biện của hội đồng đánh giá về đề án phát triển nhà trường của mình.
Tôi cho rằng, trước mắt, việc tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng chưa thể nhân rộng theo hướng đại trà. Cần làm thí điểm và thực hiện có lộ trình. Nếu hình thức thi tuyển phát huy hiệu quả, mang lại giá trị thực tiễn về chất lượng giáo dục và phát triển nhà trường, cần sơ kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng từng bước.
Thi tuyển hiệu trưởng cho các trường mầm non và phổ thông là chủ trương tốt. Nếu được thực hiện nghiêm túc, nâng cao tính cạnh tranh, tạo cơ hội thăng tiến cho viên chức thì đây sẽ là bước đột phá trong công tác quản lý giáo dục tại các cơ sở. Thời gian qua, một số địa phương có tổ chức thi tuyển nhưng chất lượng chưa được như kỳ vọng. Tôi cho rằng, vẫn còn một số nhược điểm cần khắc phục như: Việc tổ chức còn hình thức; lịch thi thay đổi, kéo dài dẫn đến giảm tính khách quan. Đâu đó vẫn còn bị chi phối bởi các mối quan hệ.
Thi mới chỉ là một bước để các ứng viên thể hiện kiến thức, hiểu biết của họ về quản lý/quản trị trường học. Qua đó, các ứng viên thể hiện một phần năng lực quản lý/quản trị bằng việc lập kế hoạch phát triển nhà trường trong nhiệm kỳ và thông qua báo cáo đề án. Để đánh giá được năng lực quản lý/quản trị trường học của ứng viên theo vị trí quản lý, cần đánh giá qua sản phẩm hoạt động tác nghiệp quản lý/quản trị nhà trường trong thực tế.
Điều này, khi tổ chức thi tuyển giáo viên làm khá thuận lợi. Sau khi thi tuyển, ứng viên có thể tham gia thử việc. Căn cứ kết quả giảng dạy thực tế, nhà quản lý đưa ra quyết định tuyển dụng hay không. Tuy nhiên, với vị trí hiệu trưởng, điều này khó hơn. Vì vậy, cần căn cứ vào kết quả thực thi nhiệm vụ khi ứng viên làm phó hiệu trưởng, hiệu trưởng ở đơn vị trường học khác để xem xét thêm hoặc thông qua thi giải quyết các tình huống thường gặp trong quản lý/quản trị nhà trường tại hội đồng sát hạch…
Tổ chức hội đồng thi tuyển gồm khâu tổ chức bài thi viết, đến đánh giá báo cáo đề án. Khâu phỏng vấn cần bảo đảm quy trình nghiêm túc, khách quan. Thành phần hội đồng phải là những người đủ năng lực để đánh giá các ứng viên theo vị trí thi tuyển. Thay vì hội đồng cơ cấu kiểu ban bệ như hiện nay, thành viên hội đồng thi tuyển phải là các chuyên gia giỏi về lĩnh vực quản lý/quản trị trường học.
Tôi nhắc lại, việc tổ chức thi tuyển là chủ trương đúng, tăng tính cạnh tranh cho các ứng viên đến từ bên ngoài nhà trường, giúp chọn lựa ứng viên vào vị trí hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dựa trên năng lực. Tuy nhiên, mức độ khách quan và có chọn được cán bộ quản lý giỏi cho nhà trường hay không phụ thuộc rất lớn vào những người chịu trách nhiệm tổ chức và hội đồng giám khảo của kỳ thi. Chỉ khi nào những người này có năng lực, làm việc công tâm, khách quan thì khi đó chủ trương trên mới thực sự phát huy hiệu quả.
Như đã phân tích ở trên, thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng với mục đích chọn được ứng viên có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại điều lệ trường học. Đồng thời, đáp ứng các tiêu chuẩn theo chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non. Trong quy định chuẩn hiệu trưởng không đề cập trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên; văn bằng, chứng chỉ quản lý Nhà nước về giáo dục… nhưng yêu cầu phải nằm trong quy hoạch (Nghị định số 115/2020/NĐ-CP).
Vì vậy, theo tôi để chọn được các “thuyền trưởng” tài giỏi thực sự nên bỏ các yêu cầu về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý Nhà nước về giáo dục, cũng như yêu cầu phải nằm trong quy hoạch. Giống như yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ (theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp), khi đó nhiều người cũng đi học để có chứng chỉ nhưng năng lực ngoại ngữ, tin học vẫn yếu.
Nhấn mạnh rằng, mục đích cuối cùng của thi tuyển là chọn được “thuyền trưởng” tài giỏi, có tâm, tầm và có năng lực thực sự để quản lý lãnh đạo nhà trường, chứ không phải hiệu trưởng có đủ các loại văn bằng, chứng chỉ. Ngoài ra, đối tượng và phạm vi thi tuyển phải đủ độ mở, không phân biệt công/tư, vùng, miền…. Do đó, khi thông báo thi tuyển, cần công khai sớm để các ứng viên biết và đăng ký, nhằm tăng tính cạnh tranh. Các bài thi viết đánh giá năng lực nên làm trên máy tính để tăng tính khách quan.
Cô Hồ Thị Huyền Trang. Ảnh: NVCC |
Tôi cho rằng chủ trương thi tuyển hiệu trưởng cho các trường mầm non và phổ thông là cần thiết. Qua đó, tạo điều kiện và trao cơ hội cho những giáo viên thực sự giỏi về chuyên môn và có năng lực quản lý, đem lại cho hệ thống giáo dục nguồn lực mới. Ngoài ra, hình thức thi tuyển sẽ góp phần cải thiện một số hạn chế của quy trình bổ nhiệm trước đây, đồng thời đề cao tính chủ động của ứng viên. Bởi việc tham gia ứng tuyển là cam kết cho sự quyết tâm và sẵn sàng nhận nhiệm vụ của họ.
Để chủ trương này thực sự mang đến luồng gió mới, theo tôi cần quan tâm đến một số vấn đề: Về đối tượng và điều kiện tham gia thi tuyển. Hiện, không nhiều giáo viên đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn để thi tuyển vào chức danh này. Nếu nhìn tích cực, các tiêu chí này như “bộ lọc”, “kiểm định” cho năng lực quản lý, chuyên môn của ứng viên. Tuy nhiên, sẽ thu hẹp đối tượng, bởi nhiều giáo viên giỏi, có tài, có tâm nhưng chưa đủ điều kiện dự thi.
Thay vì các tiêu chí “cứng” và khắt khe, địa phương tổ chức thi tuyển hiệu trưởng có thể xây dựng hệ thống các bài thi, phiếu đánh giá khoa học, phù hợp để lựa chọn được ứng viên xứng đáng. Tức là, dùng chính bài thi của các ứng viên để làm rõ khả năng của họ. Đây cũng là cách mở rộng cánh cửa và trao cơ hội cho nhiều người tham gia ứng tuyển vào vị trí quản lý cơ sở giáo dục.
Tiếp đó, việc tổ chức thi tuyển cần bảo đảm tính công bằng, minh bạch và hiệu quả. Nếu không làm được điều này, việc thi tuyển sẽ chỉ mang tính hình thức. Một trong những giải pháp để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả là xây dựng tiêu chí đánh giá - giám sát và cơ cấu ban giám khảo phù hợp; trong đó có sự tham gia của giáo viên nơi ứng viên thi tuyển.
Cuối cùng, nên thống nhất hình thức bổ nhiệm, để mỗi giáo viên có thể chủ động xây dựng kế hoạch và có lộ trình làm việc, cống hiến. Đồng thời, chuẩn bị tâm thế và các điều kiện cần thiết nếu họ có nguyện vọng làm công tác quản lý trong cơ sở giáo dục phổ thông.
“Nếu thi tuyển chỉ mang tính hình thức, nhằm tuyển đủ về số lượng, cơ cấu hiệu trưởng thì không cần thiết, bởi như vậy sẽ lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của rất nhiều người” – GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.