Nhiều chuyên gia nhận định thiết bị công nghệ đã mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục tại Singapore và thay đổi phương pháp giảng dạy hiện nay. Một trong những khác biệt lớn nhất là máy tính xách tay, máy tính bảng, Kindle (máy đọc sách) đã thay thế sách vở thông thường. Tài liệu học tập được giáo viên chuyển sang dạng sách điện tử, sách nói, hình ảnh, video... nên học sinh có thể dễ dàng truy cập thông qua Internet và đọc chúng từ các thiết bị công nghệ.
Các trường phổ thông và Bộ Giáo dục Singapore cũng xây dựng hệ thống quản lý học tập trực tuyến và thư viện điện tử. Học sinh tải xuống các tài liệu học, làm bài tập hoặc nộp bài tập lên hệ thống, theo dõi kết quả thi và các thông tin giáo dục khác qua hệ thống. Chính phủ Singapore phân phát máy tính xách tay, máy tính bảng cho học sinh để tiếp cận công nghệ giáo dục.
Sử dụng thiết bị công nghệ trong trường học cũng là mục tiêu của quốc gia châu Á – Trung Quốc nhằm giúp học sinh nước này làm quen với công nghệ và kỹ thuật số từ nhỏ. Một trong những thiết bị công nghệ tân tiến được nước này đưa vào trường học là robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Năm 2018, hơn 600 trường mẫu giáo tại Trung Quốc sử dụng robot giáo dục Keeko. Với thiết kế cao 60 cm, có bánh xe nhỏ và màn hình lớn, robot có thể hỗ trợ giáo viên mầm non chăm sóc trẻ em bằng cách kể chuyện, hát... Khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ, robot sẽ chớp mắt và hiển thị hình trái tim trên màn hình thay lời cổ vũ và khen ngợi.
Hai năm sau, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên sử dụng robot để phục vụ thức ăn trong căn-tin nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế tiếp xúc gần. Robot thậm chí có thể nêm nếm một số loại gia vị như muối, hạt tiêu. Nước này cũng đi đầu trong việc lắp đặt robot khử trùng, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trong trường học.
Ngoài bảng đen phấn trắng, hiện nay lớp học tại Trung Quốc được đầu tư trang bị màn hình chiếu, TV, camera, loa, bảng thông minh, Internet... Nhiều trường, đặc biệt ở khu vực thành thị, sở hữu phòng học đa năng, bể bơi, sân tập, phòng âm nhạc, phòng mỹ thuật, phòng máy tính với trang thiết bị hiện đại như máy tính đời mới, nhạc cụ, máy tập thể thao...
Tại Nhật Bản, với mục tiêu thúc đẩy kỹ năng sống của trẻ em trong thời đại kỹ thuật số, các trường phổ thông đang phân phát cho học sinh máy tính xách tay hoặc máy tính bảng. Bước vào lớp học Nhật Bản, thay vì giấy bút, người ta sẽ bắt gặp cảnh những chiếc máy tính bảng đặt ngay ngắn trên bàn. Mỗi máy sẽ kết nối với màn hình chiếu của giáo viên, từ đó cho phép học sinh trình bày bài tập trước cả lớp.
Ông Sakamoto Takayoshi, Trưởng bộ phận Hướng dẫn Giáo dục thuộc Uỷ ban Giáo dục Shibuya, Tokyo, cho biết: “Các lớp học có máy tính bảng là chuyện phổ biến tại Shibuya. Máy tính bảng được đưa vào sử dụng trong tất cả các lớp học. Ví dụ, trong giờ thể dục, các em sẽ quay video bài tập của mình, sau đó xem lại và cải thiện động tác”.
Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng đang xây dựng hệ thống giáo dục dựa trên Công nghệ thông tin – Truyền thông. Trong đó, các trường đều có nhân viên hỗ trợ kỹ thuật cho học sinh. Các em cũng được học lập trình dưới sự hướng dẫn của các công ty CNTT.
Robot phân phát thức ăn trong một trường phổ thông tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Con dao hai lưỡi
Đưa thiết bị công nghệ 4.0 như máy tính bảng, máy chiếu, bảng học thông minh, thậm chí là robot... vào trường học đã nâng cao chất lượng bài giảng và trải nghiệm học tập của học sinh. Dù Mỹ được đánh giá là quốc gia dẫn đầu về phát triển EdTech (công nghệ giáo dục) nhưng châu Á lại là thị trường tiềm năng cho việc phát triển thiết bị công nghệ trong giáo dục.
Số lượng thanh thiếu niên ở châu Á đông hơn các khu vực khác trên thế giới, trong đó, chỉ riêng học sinh cuối cấp THPT, tại châu Á có hơn 600 triệu em. Ngoài ra, phụ huynh châu Á rất chú trọng đến học tập và sẵn sàng chi những khoản tiền lớn cho chất lượng giáo dục của con cái họ.
Tuy nhiên, việc đưa thiết bị hiện đại vào trường học tại châu Á cũng gắn với những nghi ngại. Năm 2018, Trường Tiểu học Jinhua Xiaoshun, Trung Quốc, đã sử dụng băng đô đặc biệt do công ty công nghệ BrainCo, Mỹ, phát triển, nhằm đo mức độ tập trung của học sinh. Băng đô, đeo trên trán của học sinh, có thể xác định mức độ tương tác của các em với bài học và chuyển dữ liệu về máy tính cá nhân của giáo viên. Từ đó, giáo viên có thể xác định mức độ tập trung của học sinh và cải thiện chất lượng giảng dạy.
Tại một trường khác, học sinh bị theo dõi bằng camera AI. Sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, camera có thể phân tích hành vi và biểu cảm của học sinh, từ đó, đánh giá mức độ quan tâm của học sinh với bài học.
Cả hai thiết bị trên đều vấp phải sự phản đối từ phía học sinh, phụ huynh và phải rút khỏi lớp học. Họ lập luận các thiết bị quá hiện đại có thể xâm phạm quyền riêng tư, hạn chế khả năng tự do, sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, công nghệ không thể đúng hoàn toàn 100% nên có khả năng sẽ diễn giải sai biểu cảm và hành động của học sinh.
Chưa kể thiết bị công nghệ hiện đại thường được đầu tư tại khu vực thành thị do chính quyền địa phương có ngân sách và phụ huynh đủ khả năng chi trả, tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở Trung Quốc, đôi khi máy chiếu cũng là một thiết bị xa xỉ. Sự phân bổ không đồng đều có thể làm tăng khoảng cách giáo dục giữa tầng lớp giàu – nghèo, khu vực nông thôn – thành thị.
Dù vậy, trong những năm qua, đặc biệt khi dịch Covid-19 cho thấy tiềm năng của công nghệ, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục khuyến khích việc xây dựng “lớp học thông minh” và thúc đẩy các giới hạn của ngành Giáo dục. Điều này được kỳ vọng góp phần giảm tải áp lực học tập đang đè nặng lên học sinh, tăng khả năng sử dụng công nghệ cho trẻ trong thời đại kỹ thuật số.
Còn tại Singapore, trước những nghi ngại về tần suất ứng dụng thiết bị công nghệ trong học tập, Bộ trưởng Nhà nước phụ trách Phát triển gia đình và Xã hội Sun Xueling khẳng định việc sử dụng công nghệ giáo dục trong trường học nhằm mục đích bổ sung nhưng không làm loãng vai trò của giáo viên.
“Thiết bị công nghệ đã giúp ích rất nhiều cho giáo viên trong giảng dạy và giảm tải khối lượng công việc cho thầy cô. Đơn cử, công nghệ trợ lý ảo ở môn Tiếng Anh sẽ sửa lỗi chính tả, ngữ pháp cho học sinh thay giáo viên. Từ đó, thầy cô có thêm thời gian cho bài giảng và đi sâu vào bài học khó”, bà Sun lấy ví dụ.