Thiếu trường học ở chung cư: Cần giám sát chặt chẽ chủ đầu tư

Chung Thuỷ | 24/07/2023, 06:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều chủ đầu tư ở Hà Nội chỉ lo xây nhà để bán, thu lợi nhuận mà “lãng quên” việc xây trường học, dẫn đến tình trạng, dân số cơ học tăng nhanh, trẻ em nhiều nhưng không đủ trường học, khiến dư luận bức xúc.

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, với vấn đề quy hoạch trường học, quy hoạch này nằm trong hệ thống quy hoạch chung đã được phê duyệt của Hà Nội, với bao nhiêu dân thì nên có các loại trường học như thế nào?

Tại sao tình trạng thiếu trường học tồn tại nhiều năm nay? Ông Tùng chỉ ra 2 tồn tại. Tồn tại thứ nhất là khi làm quy hoạch còn thiếu tầm nhìn, chưa tính đến việc phát triển dân số tăng nhanh; Thứ 2, việc xây dựng dự án, các khu nhà ở phải song song với việc xây dựng trường học đã bị các chủ đầu tư lãng quên.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Ông Tùng cho rằng, khi duyệt một quy hoạch khu đô thị, bên cạnh nhà ở thì phải có các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Đặc biệt, phải có trường học, trung tâm thương mại, y tế… Trong các quy hoạch phê duyệt đều có vị trí trường học nhưng lại không được giám sát chặt chẽ khi chủ đầu tư thực hiện quy hoạch. Trong thực hiện dự án phải ghi rất rõ, trường học này là trường học công hay trường học tư.

Cũng theo ông Tùng, hiện, rất nhiều chủ đầu tư chỉ xây nhà ở để có lợi nhuận nhưng không xây trường học. Bên cạnh đó, việc phân bổ đất quy hoạch để xây trường học không đáp ứng được yêu cầu phát triển của Hà Nội, tức dân số tăng nhanh nhưng quy hoạch không theo kịp, đây là điều bất cập, đặc biệt là các trường tiểu học, mẫu giáo.

Thứ 3, hệ thống giao thông không thuận tiện, ở các nước, trường học phải gắn với khu dân cư còn tại Việt Nam thì ngược lại, xây nhà ở, chung cư nhưng không có trường học. Từ trước đến nay, hầu như chưa bao giờ có chủ trương, di dời các cơ quan, nhà máy đi nơi khác để làm trường học mà chỉ có di dời đi để xây chung cư, khu đô thị mới, thậm chí các cơ quan cấp bộ xây trụ sở nghìn tỷ rồi nhưng trụ sở cũ ở nội thành vẫn còn tồn tại.

“Có nhiều vấn đề bất cập về cơ chế quản lý và chính sách dẫn đến việc thiếu trường học, phụ huynh phải xếp hàng cả đêm để xin cho con vào trường công, vào mẫu giáo, vào lớp 1, điều này tạo ra áp lực cho người dân và áp lực cho thành phố. Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô và đang làm quy hoạch hỗn hợp, kết hợp các quy hoạch liên ngành thì cần có sự minh bạch, kiên quyết, dành quỹ đất để xây trường học. Quỹ đất này phải gắn với khu dân cư chứ không phải là đi xa hàng chục cây số thì mới tới được trường học, việc quan trọng này cần phải làm ngay”, KTS. Phạm Thanh Tùng cho hay.

Ông Tùng cho biết thêm, việc xây dựng trường học phải được quan tâm hàng đầu; Cần rà soát lại tất cả các khu đô thị. Nơi nào chưa có trường học thì phải xây dựng trường học, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm với việc không xây dựng trường học theo quy định. Khi người dân đến ở thì phải có trường học cho con em mình. Điều này phải thông suốt trong vấn đề lập quy hoạch đặc biệt là công tác lập quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch.

“Những trường học hiện có phải cải tạo chỉnh trang để các cháu đến trường được an toàn, dứt khoát phải thu hồi những khu đất, các công sở, nhà máy theo chỉ đạo của Thủ tướng, lấy đất để xây dựng trường học chứ không thể để tình trạng Hà Nội thiếu đất xây trường học. Phát triển kinh tế nhưng không thể quên đi một điều quan trọng là phát triển giáo dục”, KTS. Phạm Thanh Tùng nói.

Phụ huynh thức đêm để đợi nộp hồ sơ xin vào lớp 10 tư thục cho con

Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ cho hay, thực trạng đất bỏ hoang nhiều nhưng lại thiếu đất xây dựng trường học ở Hà Nội do việc quy hoạch thì có nhưng việc thực hiện quy hoạch thì còn rất chểnh mảng, không kiểm soát nghiêm trong thực hiện quy hoạch. Bởi khi thực hiện quy hoạch, cơ quan chức năng đã tính tới các hạ tầng về kỹ thuật, văn hóa, giáo dục đào tạo, nhưng thường quy hoạch sẽ bị điều chỉnh liên tục. Đáng nói, điều chỉnh theo nhu cầu của nhà nước thì không nhiều nhưng lại điều chỉnh nhiều theo yêu cầu của chủ đầu tư dự án. Vì vậy mà hiện trạng quy hoạch thường bị điều chỉnh chệch đi so với định hướng cũ.

“Nhiều cơ sở về giáo dục, đào tạo ngày càng yếu kém, tình trạng này đã xảy ra từ lâu nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Nhiều năm nay, chúng ta cứ loay hoay với chương trình cải cách giáo dục mà đôi khi không có ý nghĩa lớn với thực tế cuộc sống. Vì vậy, đến nay vẫn chưa thoát ra được câu chuyện, trẻ em sinh ra nhiều nhưng hệ thống giáo dục chưa đáp ứng được cho các thế hệ trẻ hiện nay. Ví dụ như năm nay, số lượng học sinh được tuyển vào học chính thức ở hệ thống trường công không nhiều, còn hệ thống trường tư thục vẫn có mức học phí rất cao, trong khi nội dung, chất lượng lại không đảm bảo được nhu cầu học tập của học sinh”, GS. Đặng Hùng Võ trăn trở.

GS. Đặng Hùng Võ (Ảnh: NVCC)

Cũng theo ông Võ, vướng mắc hiện nay là câu chuyện điều chỉnh quy hoạch, một quy hoạch được đưa ra thành dự án, dự án thì có đầy đủ các hạng mục nhưng bị cắt xén hoặc thay đổi đi. Cần phải có giải pháp để khắc phục tình trạng này.

TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội thì cho rằng, chuyện thiếu trường học cần được xử lý nghiêm túc trên cơ sở là phải gia tăng nhận thức của cơ quan chức năng, bố trí quỹ đất cho xây dựng trường cũng như công khai các dự án để các chủ đầu tư biết và tham gia cũng như có các chính sách cần thiết để phát triển các trường học. Một trong những khó khăn của việc phát triển trường học là các quận nội thành bị “cài cắm” rất nhiều tòa nhà cao tầng, do đó dân số cơ học tăng mạnh, vượt quá quy hoạch ban đầu về quỹ đất để xây dựng trường học, do đó việc xây dựng thêm những trường học mới ở các quận nội đô là vấn đề không dễ.

“Hà Nội nên rà soát kỹ, kiên quyết thu hồi những dự án bỏ hoang, những khu nhà cấp cho các hiệp hội, những dự án bị chậm tiến độ hoặc không có khả năng thực hiện để xây dựng trường học. Dự án thu hồi đất của Hội Toán học Việt Nam để xây dựng trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc tại quận Ba Đình là một trường hợp điển hình tích cực”, ông Nguyễn Minh Phong cho biết.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần mạnh tay xử lý tình trạng chủ đầu tư không xây trường học khi triển khai dự án. Nếu chủ đầu tư không muốn xây hoặc cố tình không xây trường học như trong dự án thì họ phải nộp lại số tiền tương đương để mua một không gian đủ chỗ cho số học sinh trong khối dân cư mà dự án đó sẽ hình thành; Khách hàng khi lựa chọn mua nhà cần chú trọng đến các tiện ích, cảnh quan, hạ tầng đồng bộ của dự án đó. Đây là những yếu tố cùng cấu thành nên giá trị căn nhà. Trong hợp đồng mua bán, bên cạnh thời hạn bàn giao nhà, phải xem xét cả thời hạn hoàn thành các hạng mục hạ tầng của dự án./.

Theo Vov
https://vov.vn/xa-hoi/thieu-truong-hoc-o-chung-cu-can-giam-sat-chat-che-chu-dau-tu-post1034604.vov
Copy Link
https://vov.vn/xa-hoi/thieu-truong-hoc-o-chung-cu-can-giam-sat-chat-che-chu-dau-tu-post1034604.vov
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu trường học ở chung cư: Cần giám sát chặt chẽ chủ đầu tư