Quan trọng vẫn là giải pháp
Cho rằng không thấy giải pháp nào khác so với các báo năm trước, kỳ trước, Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) đề nghị chỉ nên chọn 1 đến 2 giải pháp ở mỗi kỳ để tập trung thực hiện cho tốt, như thế cả nhiệm kỳ cũng giải quyết được nhiều nút thắt.
Ông ví dụ như làm thế nào để giảm chi phí logictics vì của ta hiện cao hơn trung bình của thế giới rất nhiều. Nếu làm tốt thì mỗi năm doanh nghiệp có thêm khoảng 40 tỷ USD, là số tiền rất lớn.
“Đề nghị Quốc hội có nghị quyết riêng về phát triển DN trong thời đại mới, bao gồm cả vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, hỗ trợ DN không bị tác động bởi lực lượng này, lực lượng kia làm cho DN mất nhuệ khí” – đại biểu nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) nói: “Tôi xem nghị quyết, về các nhóm giải pháp vẫn chung chung, chưa toát lên giải pháp cụ thể, đột phá. Đề nghị các nhóm giải pháp cụ thể hơn, có kịch bản tháo gỡ khó khăn trước mắt và dài hạn. Nếu có chương trình phát triển ngắn hạn thì cũng hợp lý để tập trung một số lĩnh vực, tạo công ăn việc làm”.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cũng cho rằng, vấn đề được nhận diện rồi nhưng cuối cùng vẫn là giải pháp. Để nâng cao năng lực ứng phó trước các tình huống đòi hỏi cả giải pháp trước mắt và lâu dài.
“Lâu nay chú ý giải pháp trước mắt thì như che chắn, bị động. Vui – buồn đột xuất vì thiếu chủ động. Đánh giá cứ say sưa chỉ số GDP trong khi sức khoẻ nền kinh tế còn nhiều chỉ số khác”.
Vị đại biểu Quốc hội đoàn Hải Phòng đề nghị chú ý vấn đề quy hoạch, vì hiện rất trì trệ, địa phương lúng túng không biết bố trí thế nào dù có nhà đầu tư bày tỏ thiện chí. Quy hoạch chưa xong mà quyết thì dễ sai.
Bên cạnh đó là nhiều vấn đề cũ chưa được giải quyết. “Có lãnh đao vào tù rồi nhưng hậu quả còn tồn tại, thế hệ sau phải giải quyết nhưng trên nguyên tắc, chính sách nào. Nếu để kéo dài thì hết năm nay thôi cũng tạo lực cản không chỉ trên thực tiễn bố trí không gian phát triển của địa phương mà còn liên quan DN. Hiện nay nhiều nơi đều nói “chờ xem sao”, gây mất chi phí cơ hội”. Kể ra đầu mục cơ chế, chính sách thì rất đủ nhưng nhiều khi triển khai không được vì có chồng chéo, mâu thuẫn nhau.
“Phải nhìn vào thực tiễn để chọn ra một số giải pháp cụ thể để xem làm được hay không” – ông Chu Hồi nói./.