Những ngày giữa tháng 5-2023, trong ngôi nhà sàn được cất giữa vườn dừa nằm nép bên sông Bến Tre, ông Sơn Bá vẫn đang cặm cụi với hàng chục chiếc đờn cò. Ông cho biết đang chuẩn bị cho buổi triển lãm trưng bày hơn 100 nhạc cụ của mình tại Bảo tàng tỉnh Bến Tre.
Cầm lên một chiếc đàn "5 trong 1", ông Sơn Bá nói: "Đây là chiếc đàn tôi mất nhiều thời gian nhất. Bởi để kết hợp nhiều nhạc cụ lại trong một chiếc đàn không hề đơn giản.
Ngoài việc tạo ra được hình dáng của nhạc cụ rồi, âm thanh của mỗi nhạc cụ phải chuẩn mới được", ông chia sẻ. Bộ đàn "5 trong 1" này của ông gồm đàn bầu, đàn cò, đàn sến, guitar và một micro để hát rất tiện lợi giữa âm nhạc hiện đại và truyền thống.
Một điều độc đáo dễ nhận thấy các nhạc cụ của ông đều được làm phần lớn từ gỗ dừa. "Việc chọn dừa cũng phải rất công phu.
Dừa phải nằm trong độ tuổi 60 - 70 năm là phù hợp nhất vì lúc này gỗ dừa có màu đỏ như mật ong. Nếu để quá tuổi thì gỗ dừa chuyển qua màu đen, làm nhạc cụ sẽ không phù hợp", ông nói.
Sau khi chọn được gỗ dừa phù hợp, ông bắt đầu đục đẽo để ra hình dáng phù hợp với loại nhạc cụ cần làm. Đạt được hình dáng tương đối rồi, ông dùng giũa và giấy nhám để tạo hình một cách chính xác nhất.
Ông Sơn Bá cho biết thời gian đầu làm nhạc cụ hoàn toàn từ gỗ dừa thì âm thanh không được hay. Sau khi mày mò nghiên cứu, các bề mặt của nhạc cụ được ông sử dụng gỗ quao để làm.
Sau khi đạt được âm thanh ưng ý, ông biến thành công thức cho các nhạc cụ của mình khi chọn gỗ dừa làm khung và kết cấu chính của nhạc cụ, còn các bề mặt ông sử dụng gỗ quao.
Ngoài ra, để âm thanh nghe tốt hơn, ông còn sử dụng bộ khuếch đại âm thanh bằng điện tử. Do mọi thứ ông phải tự mày mò nên có những nhạc cụ ông phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng, mới hoàn thành.
"Nhưng khi một nhạc cụ hoàn thành, tôi lại thấy vui vẻ hơn khi ngắm nhìn đứa con tinh thần của mình ra đời. Bởi trên mỗi nhạc cụ đều có hình ảnh của cây dừa quê hương gắn bó với đời mình. Về sau, tôi còn sử dụng gáo dừa, mo dừa để tạo các nhạc cụ", ông trải lòng.
Trong ngôi nhà nhỏ treo hàng chục thứ nhạc cụ khác nhau, ông Sơn Bá ngồi trầm ngâm nói: "Chỉ tiếc đến giờ vẫn chưa có người cùng đam mê để tôi truyền nghề. Sợ bị mai một nên giờ tôi muốn tặng các nhạc cụ cho bảo tàng cất giữ.
Hiện nay cũng đã có nhiều nhà hàng ở các tỉnh thành và thậm chí người nước ngoài đặt mua các nhạc cụ này. Thỉnh thoảng tôi cũng bán một số để có kinh phí duy trì công việc của mình", ông Sơn Bá trải lòng.
Nghệ nhân Sơn Bá đã được nhận bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về thành tích nghệ nhân dân gian, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác lập "Kỷ lục gia" của bộ nhạc cụ dân tộc được chế tác bằng chất liệu dừa đầu tiên tại Việt Nam năm 2012, UBND tỉnh Bến Tre tặng hai bằng khen với thành tích giải 1 chế tác hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và có công lao trong thực hành và truyền dạy bộ nhạc cụ dân tộc bằng dừa ở Bến Tre.
Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã cấp bằng công nhận Nghệ nhân dân gian cho ông vào năm 2016. Trường đại học Trà Vinh đã hai lần mời ông đến nói chuyện cho giảng viên và sinh viên, tặng kỷ niệm chương và bằng chứng nhận Nghệ nhân dân gian có đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn, phát triển nhạc cụ truyền thống của dân tộc.