Nhưng ở phía sau hậu trường, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng muốn thuyết phục ông Trump, rằng Mỹ gắn bó với NATO vẫn sẽ là điều cần thiết. "Mỹ cần một NATO mạnh mẽ để duy trì ảnh hưởng", Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere nói tại hội nghị.
Cuối tháng trước, đương kim Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tới Mỹ nhằm thuyết phục đội ngũ của ông Trump trong vấn đề Ukraine. Ông Stoltenberg cũng tới thăm nhà máy của hãng Lockheed Martin ở bang Alabama - nhà máy chuyên sản xuất tên lửa chống tăng Javelin.
Ông Stoltenberg phát biểu tại hội nghị: "Phần lớn khoản tiền được châu Âu phân bổ cho Ukraine sẽ được chuyển cho Mỹ để mua vũ khí Mỹ, ví dụ như tên lửa Javelin".
Nhấn mạnh mục tiêu kiềm chế Trung Quốc của ông Trump, ông Stoltenberg nói: "Mỹ chiếm 25% GDP toàn cầu. Cùng với các đồng minh NATO, chúng ta đại diện cho 50% GDP toàn thế giới và 50% sức mạnh quân sự toàn cầu. Vậy nên miễn là chúng ta cùng chung chí hướng, chúng ta sẽ an toàn".
Ước tính 18 trong số 31 nước thành viên NATO sẽ đáp ứng mức chi tiêu quân sự tương đương 2% GDP trong năm nay, tăng đáng kể so với 11 nước vào năm ngoái. Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì mức chi tiêu hàng đầu trong NATO với 3,5% GDP trong năm 2023.
Yêu cầu các nước thành viên NATO đáp ứng mức chi tiêu đề ra là một trong những điều kiện mà ông Trump đề ra trong nhiệm kỳ đầu tiên để Mỹ không rời khỏi liên minh.
Thượng nghị sĩ Mỹ J.D. Vance, một đồng minh của ông Trump, phát biểu tại hội nghị ở Đức rằng ông hoan nghênh việc châu Âu cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và tin rằng ông Trump sẽ không rút Mỹ khỏi NATO nếu tái đắc cử. Nhưng ông Vance nói Mỹ sẽ cần tập trung nhiều hơn cho các vấn đề ở Đông Á, nên châu Âu cần sẵn sàng để tự chủ về mặt quân sự.
"Vấn đề không chỉ là ngân sách chi tiêu. Ngày mai Đức có thể triển khai ngay lập tức bao nhiêu lữ đoàn cơ giới? Chỉ một lữ đoàn?", ông Vance đặt câu hỏi. "Chiếc ô an ninh của Mỹ đã khiến năng lực huy động quân đội của châu Âu suy giảm"./.