Theo ghi nhận, các trường đại học khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường 2 đợt/năm, thông thường trước khi sinh viên tốt nghiệp 1-3 tháng và sau đó 1-2 năm.
Nhà trường thường thống kê bằng hình thức online qua các phiếu khảo sát được gửi đến từng khoa, lớp. Các thông tin được khảo sát gồm chỗ làm, mức lương, thời gian tìm việc sau khi ra trường.
Tuy nhiên, việc lấy được thông tin việc làm sát với tình hình thực tế rất khó khăn.
Phần lớn các trường đề nghị sinh viên để lại địa chỉ, số điện thoại, email khi nhận bằng tốt nghiệp để duy trì liên lạc. Tuy nhiên, việc duy trì thông tin liên lạc giữa nhà trường và người học sau khi tốt nghiệp thường hạn chế.
Sau khi ra trường và có việc làm, nhiều sinh viên thay đổi thông tin liên lạc như số điện thoại, email, thiếu sự sẵn sàng cung cấp thông tin khi trường khảo sát. Số lượng nhân sự phụ trách công tác việc làm ở các trường hạn chế, đầu việc nhiều nên rất khó “kham” nổi thống kê với dữ liệu lớn.
Những khó khăn trên dẫn đến tính không “thực chất” của thống kê việc làm của sinh viên, theo một trưởng phòng Công tác sinh viên một trường đại học ở TPHCM.
Vị này giải thích, thông thường, các trường đại học tính tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng số sinh viên có phản hồi khảo sát. Trong khi đó, số lượng sinh viên phản hồi khảo sát thường rất thấp so với số sinh viên đã tốt nghiệp.
“Những người phản hồi thường là những em đã có việc làm, do tâm lý tự tin, thoải mái, trong khi những em chưa tìm được việc làm hoặc phải làm việc trái ngành, lao động phổ thông tạm thời sẽ không phản hồi”, vị này cho biết.
Doanh nghiệp tổ chức phỏng vấn sinh viên trong một ngày hội việc làm năm 2023. Ảnh: Mạnh Tùng |
Giải thích này trùng khớp với báo cáo từ nhiều trường. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2022 cho thấy 95% sinh viên có việc làm. Tuy nhiên, đây là thống kê dựa trên số lượng sinh viên có phản hồi là 653 em.
Tương tự, tỷ lệ 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm ở Trường Đại học Kiến trúc TPHCM được tính trên số lượng sinh viên có trả lời khảo sát. Trường có 770 sinh viên tốt nghiệp trong năm này nhưng chỉ có 502 em phản hồi, chiếm tỷ lệ 65%.
Số liệu sinh viên phản hồi khảo sát tình hình việc làm sau khi tốt nghiệp của Trường Đại học Kiến trúc TPHCM. Ảnh: Báo cáo từ nhà trường |
ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, muốn các khảo sát tình hình việc làm của sinh viên thực chất và hiệu quả, cần có một hệ thống dữ liệu người học đủ mạnh. Khi đó, nhà trường có thể kết nối tốt với sinh viên sau khi đã ra trường, trong quá trình đi làm hoặc xin việc.
Ngoài ra, trường cần có hội cựu sinh viên mạnh, làm đầu mối để bảo đảm giữ liên lạc thường xuyên với toàn thể cựu sinh viên, dễ dàng triển khai các kế hoạch khảo sát.