Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (13/3 - 19/3): Nghiên cứu mở rộng vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; Quảng Ninh sẽ làm sân bay ở Cô Tô

19/03/2023, 07:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nghiên cứu mở rộng vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; Quảng Ninh sẽ làm sân bay ở Cô Tô; Ba dự án giao thông cửa ngõ TP HCM có nguy cơ chậm tiến độ... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Nghiên cứu mở rộng vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biếtcơ quan này đã giao đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án mở rộng dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc dự án đường vành đai 3 TP HCM.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu phương án mở rộng dự án này. Cụ thể, Bộ GTVT nhận được công điện của Thủ tướng Chính phủ phân công giải quyết vướng mắc, kiến nghị liên quan đến đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong chuyến kiểm tra từ ngày 25 đến 29/1.

Cầu Nhơn Trạch - dự án chính của dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc tuyến vành đai 3 TP HCM. (Ảnh: Hải Quân

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu xử lý kiến nghị mở rộng dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1, bảo đảm khai thác đồng bộ với  đường vành đai 3 TP HCM (giai đoạn 1).

Quảng Ninh sẽ làm sân bay ở Cô Tô

Tháng Hai vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo hồ sơ quy hoạch này, Quảng Ninh định hướng quy hoạch mới sân bay chuyên dùng Cô Tô giai đoạn 2030 - 2050 với diện tích trên 130 ha. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều, Uông Bí và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch.

Một góc Cô Tô. (Ảnh: Báo Quảng Ninh). 

Cũng theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ nâng cấp, cải tạo, mở rộng sân bay Hồng Kỳ (phường Ninh Dương, Móng Cái). Sây bay này sẽ kết hợp khai thác dân dụng (taxi) và cứu nạn.

Ba dự án giao thông cửa ngõ TP HCM có nguy cơ chậm tiến độ

Sở GTVT TP HCM vừa qua đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố đẩy nhanh các công trình trọng điểm ở cửa ngõ.

Cụ thể, đó là các dự án như xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa - quận Tân Bình; mở rộng quốc lộ 50 - huyện Bình Chánh và xây dựng nút giao thông An Phú - TP Thủ Đức.

Theo Sở GTVT, đây là các dự án trọng điểm, được UBND TP thống nhất triển khai trong danh mục dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn năm nay.

Một đoạn quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP HCM hiện nay. (Ảnh: Hải Quân

Các công trình trên đã được khởi công từ tháng 12/2022. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, các công trình đang thi công mang tính cầm chừng, chưa triển khai đồng bộ.

Duyệt đầu tư dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Đại diện Ban Quản lý dự án 6 cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa qua đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Theo đó, dự án được đầu tư với tổng chiều dài gần 37 km, tổng mức đầu tư dự án là hơn 10.436 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (đã bao gồm dự phòng) hơn 246 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 8.600 tỷ đồng; chi phí thiết bị hơn 131 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác hơn 504 tỷ đồng; chi phí dự phòng gần 954 tỷ đồng.

Dự án thành phần này đi qua thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và các huyện M'Đrắk, Krông Bông, Ea Kar của tỉnh Đắk Lắk.

Thái Nguyên có thể lên thành phố thuộc Trung ương

Ngày 14/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm du lịch...

Một góc Thái Nguyên. (Ảnh: Báo Thái Nguyên). 

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Quảng Ninh kiến nghị xem xét thu hồi dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa qua đã có văn bản về việc giải quyết vướng mắc đối với Tiểu dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long gửi Bộ Giao thông Vận tải để sớm có phương án đối với dự án này.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm cho phép khởi động lại Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân để giải quyết đứt điểm các thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân trong phạm vi Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long.

Trong trường hợp dự án chưa được sớm khởi động lại, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, thu hồi chủ trương đầu tư để có cơ sở thu hồi, hủy bỏ các văn bản liên quan đến việc thu hồi đấ trên dự án giải phóng mặt bằng thuộc Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long.

Metro Nhổn - ga Hà Nội được đề xuất lùi thời hạn vận hành đến tháng 8 

UBND TP vừa qua đã yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB) khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Cụ thể, theo đơn vị chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh thời gian đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 8 năm nay thay vì cuối năm 2022 như trước đó.

Duyệt đầu tư đường Hồ Chí Minh qua Kiên Giang và Bạc Liêu

Ngày 17/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay Thủ tướng ký Quyết định Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 51,82 km (đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài khoảng 45,22 km; đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài khoảng 6,6 km). Dự kiến trên toàn tuyến xây dựng 26 cầu, trong đó có ba cầu vượt sông lớn là cầu Cái Lớn, cầu Bần Ổi và cầu Bến Luông.

Bản đồ đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch sỏi, qua Bạc Liêu và đi hết địa phận tỉnh Kiên Giang theo quy hoạch (trục chạy theo khoanh tròn màu đỏ). (Nguồn: Dự thảo bản đồ phát triển hạ tầng kỹ thuật quốc gia). 

Đây là dự án nhóm A, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.904,66 tỷ đồng. Dự án sử dụng vốn đầu tư công, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.123,73 tỷ đồng, chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 780,93 tỷ đồng. 

Bài liên quan
1.665 tỷ đồng xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn
Dự án dài gần 29km, điểm đầu tại Chợ Chu (huyện Định Hóa, Thái Nguyên), điểm cuối tại ngã ba Trung Sơn (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (13/3 - 19/3): Nghiên cứu mở rộng vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; Quảng Ninh sẽ làm sân bay ở Cô Tô