4 dự án giao thông này bao gồmtuyến đường Tây Thăng Long đoạn từ đường Phạm Văn Đồng - đường Văn Tiến Dũng; đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3; xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức và tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính.
Ngày 8/12, Tại Kỳ họp thứ 13 HĐND TP HCM khóa X, HĐND thành phố đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 2 TP HCM, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp - đường Phạm Văn Đồng.
Theo đó, dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo theo lộ giới quy hoạch phần tuyển 67 m và nút giao đường Phạm Văn Đồng - vành đai 2 (phía bên phải đường Phạm Văn Đồng theo hướng đi quốc lộ 1K).
Dự án thuộc nhóm A với tổng mức đầu tư là 4.543 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Thành phố. Trong đó, dự án thành phần 1 là 2.587 tỷ đồng; dự án thành phần 2 là 1.956 tỷ đòng. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2027.
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp để nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
Tại cuộc họp, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và đơn vị tư vấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dự kiến thực hiện từ năm 2024 - 2027 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 13.726 tỷ đồng. Chiều dài nghiên cứu dự kiến khoảng 56 km qua địa phận tỉnh Quảng Trị.
Tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 6/12, HĐND TP HCM đã tổ chức phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Đối với công trình cầu Cần Giờ, đại diển Sở GTVT cho biết, nghị quyết của phiên họp HĐND trước đây đã nêu sẽ thông qua chủ trương vào kỳ họp cuối năm 2023. Song do dự án có nhiều phần việc cần giải quyết, việc trình xin chủ trương xây dựng cầu Cần Giờ chưa kịp thực hiện tại kỳ họp này.
Sở GTVT hiện cũng đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, dự kiến sẽ trình HĐND TP HCM tại kỳ họp tiếp theo. Nếu chủ trương đầu tư dự án được thông qua đầu năm 2024, công trình sẽ được khởi công vào năm 2025.
Ngày 4/12, lãnh đạo thành phố đã chủ trì lễ ký kết biên bản thỏa thuận tài trợCông trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn giữa Sở Giao thông Vận tải TP HCM và CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood.
Theo đó, Nutifood sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng dự án theo chủ trương, quy hoạch, phương án thiết kế mà thành phố đã phê duyệt, tổng kinh phí tài trợ ước tính khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Sau buổi Iễ, UBND TP HCM sẽ tiến hành bàn giao mặt bằng và phương án thiết kế cho Nutifood. Theo dự kiến, cây cầu sẽ được khởi công chính thức vào ngày 30/4/2025 để chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 7/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 .
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lai Châu nắm bắt và khai thác hiệu quả các cơ hội, nguồn lực bên trong và bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh phát triển xanh, bền vững, văn minh, giàu bản sắc văn hoá, phát triển toàn diện; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới.
Ngày 8/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngày 8/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2050, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới.