Theo quy hoạch, ngoài các cảng hàng không dân dụng đang hoạt động hiện tại, cả nước sẽ xây mới 5 cảng hàng không tại 5 tỉnh thành (Lai Châu, Nà Sản - Sơn La, Quảng Trị, Tiên Lãng - Hải Phòng, Hà Nội), 3 cảng hàng không đang xây dựng (Long Thành, Phan Thiết, Sa Pa), hai sân bay quân sự sẽ chuyển sang khai thác lưỡng dụng (Thành Sơn, Biên Hòa).
Ngoài ra, quy hoạch định hướng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch thành cảng hàng không đối với một số sân bay phục vụ quốc phòng; một số vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ và các vị trí khác có thể xây dựng, khai thác cảng hàng không; báo cáo Thủ tướng xem xét về việc bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện, trong đó đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu, yêu cầu kỹ thuật, nguồn lực đầu tư và các tác động khác.
12 cảng hàng không tiềm năng có vị trí nằm tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; phường Nam Cường, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái (sân bay quận sự Yên Bái); xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; Phường Phúc Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội (sân bay quân sự Gia Lâm); xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (sân bay chuyên dùng phục vụ an ninh - quốc phòng); xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong và xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
UBND TP HCM vừa qua đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về ý kiến phương án, phương thức thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; trong đó, thành phố dự kiến chi 2.000 tỷ đồng để làm đường dẫn cao tốc trên địa bàn.
Về nguồn vốn đầu tư, UBND TP HCM cho biết sẽ chủ động cân đối, bố trí ngân sách thành phố (tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng) để tổ chức triển khai, phát huy hiệu quả đầu tư dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và dự án đường Vành đai 3 TP HCM.
Theo đó, UBND TP HCM ủng hộ phương thức thực hiện dự án theo kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương với điểm đầu đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành kết nối với đường Vành đai 3 TP HCM (thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương).
Ngày 6/6, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã có kế hoạch khởi công Dự án thành phần 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Dự án thành phần 3, đường Vành đai 3 TP HCM. Theo đó, dự kiến ngày 18/6, tỉnh khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ngày 30/6 khởi công đường vành đai 3 TP HCM.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương đối mặt nhiều khó khăn, áp lực về tiến độ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 TP HCM. Hiện các đơn vị liên quan đang tập trung nhân lực, nỗ lực triển khai quyết liệt giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, đảm bảo khởi công 2 dự án đúng kế hoạch của Chính phủ.
Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản về việc Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Đường tỉnh 941 (đoạn nối dài).
Vị trí xây dựng dự án ĐT 941 (đoạn nối dài) đi qua phường Bình Đức thuộc TP Long Xuyên và thị trấn An Châu, xã Bình Hòa, xã Hòa Bình Thạnh thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang; diện tích sử dụng đất khoảng 32 ha.
Điểm đầu tuyến giao với tuyến tránh TP Long Xuyên. Điểm cuối giao với đường tỉnh ĐT 941. Tổng chiều dài tuyến khoảng 11 km. Chủ đầu tư là Ban QLDA ĐTXD Công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh An Giang. Tổng mức đầu tư dự án là 863 tỷ đồng.