Các trường hợp chữa khỏi HIV trước đó - bao gồm cả những trường hợp chữa khỏi dứt điểm ở nam giới được điều trị ở London , Berlin và Düsseldorf, và một trường hợp thuyên giảm lâu dài ở một người đàn ông được điều trị ở Los Angeles - đã được cấy ghép tế bào gốc lấy từ tủy xương như một phương pháp điều trị kép cho cả hai bệnh ung thư và HIV.
Bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi HIV là một người đàn ông ở Berlin và người này đã chết vào năm 2020 sau khi bệnh ung thư tái phát .
Hiệu quả với người vừa nhiễm HIV, vừa mắc bệnh ung thư
Sau khi cấy ghép, các tế bào gốc của người hiến tặng về cơ bản sẽ tiếp quản hệ miễn dịch của bệnh nhân, thay thế các tế bào cũ, dễ bị tổn thương bởi HIV bằng các tế bào mới, kháng HIV. Để dọn đường cho các tế bào miễn dịch mới, các bác sĩ sẽ quét sạch quần thể tế bào miễn dịch ban đầu bằng hóa trị hoặc xạ trị.
"Bệnh nhân New York" mắc cả ung thư và HIV và đã trải qua hóa trị liệu trước khi được cấy ghép. Tuy nhiên, cô đã nhận được tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn chứa gien kháng HIV. Máu cuống rốn được cha mẹ của một em bé không cùng huyết thống hiến tặng vào thời điểm sinh nở và sau đó được sàng lọc đột biến CCR5 delta 32.
Để bổ sung cho các tế bào gốc dây rốn đó, bệnh nhân cũng nhận được các tế bào gốc do người thân hiến tặng, giúp thu hẹp khoảng cách khi các tế bào kháng HIV bắt đầu xuất hiện.
Bởi vì máu cuống rốn dễ tiếp cận hơn so với tủy xương người trưởng thành và dễ dàng "kết hợp" hơn giữa người cho và người nhận, nên những thủ thuật như vậy có thể trở nên phổ biến hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, cấy ghép tế bào gốc sẽ không phù hợp với những bệnh nhân dương tính với HIV nhưng không mắc bệnh nghiêm trọng thứ hai, chẳng hạn như ung thư, bởi vì nó liên quan đến việc loại bỏ hệ miễn dịch.