Vậy trong thời gian qua, Việt Nam đã có những chính sách, chương trình hỗ trợ gì cho các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ? Hiệu quả của các chính sách, chương trình đó ra sao, thưa ông?
Ông Đinh Hữu Phí: Luật Bình đẳng giới năm 2006 được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm bình đẳng giới ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp nữ giới bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng KHCN; bình đẳng trong việc tiếp cận các khoá đào tạo về KHCN, phổ biến kết quả nghiên cứu KHCN và phát minh, sáng chế.
Khoản 7 Điều 4 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên.
Nhận thức rõ về thực trạng còn tồn tại một số bất bình đẳng giới trong nghiên cứu và sáng tạo với không ít khó khăn mà các nhà khoa học và đổi mới sáng tạo, doanh nhân nữ còn phải đối diện, Chính phủ đã và đang ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Một trong những chính sách phải kể đến, đó là Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Theo số liệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, qua 4 năm thực hiện Đề án này, đã có gần 3.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tại cấp Trung ương, hơn 72.000 phụ nữ khởi nghiệp, 1.451 doanh nghiệp và 523 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ thành lập mới từ hỗ trợ của Đề án.
Thực tiễn triển khai hoạt động trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ từ Trung ương đến địa phương luôn chú trọng triển khai các hoạt động sở hữu trí tuệ phối hợp với các tổ chức của nữ giới, cụ thể là các hoạt động hội nghị, hội thảo, tọa đàm với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ nữ của các tỉnh thành phố, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Hội Nữ trí thức các bộ, ngành… Những hoạt động này luôn được các nhà khoa học, nữ trí thức, nữ doanh nhân đánh giá cao về thông tin, kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ.
Theo ông, chúng ta cần thêm các chính sách nào để thu hẹp khoảng cách, tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo giúp họ có thể cạnh tranh một cách công bằng ở cả trong nước và quốc tế?
Ông Đinh Hữu Phí: Để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hoạt động nghiên cứu KHCN, tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ, tăng năng lực cạnh tranh bình đẳng giới ở trong nước và quốc tế, chúng ta cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật, chính sách trong nước để giúp các nhà sáng chế, doanh nhân nữ có được vị thế thích hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa không ngừng phát triển.
Các quy định pháp luật, chính sách này cần xây dựng và cụ thể hóa theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới, có đãi ngộ đủ mạnh để động viên, khuyến khích các nhà khoa học nữ làm công tác nghiên cứu. Cần bổ sung nhiều những chương trình KHCN cấp quốc gia áp dụng cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc để khuyến khích sự phát triển các nhà khoa học nữ.
Đồng thời cần có chính sách bồi dưỡng, đào tạo ưu tiên nữ giới hoạt động nghiên cứu KHCN, tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ cung cấp các chương trình đào tạo cho phụ nữ Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách, tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo để họ có thể cạnh tranh một cách công bằng ở cấp độ quốc tế. Đồng thời hợp tác với các chính phủ, tổ chức công, hoặc các tổ chức, hiệp hội khác để thực hiện hoạt động liên quan hỗ trợ các nhà sáng chế và doanh nhân nữ như: Diễn đàn, hội thảo, triển lãm quốc tế về sáng chế của nữ…
Trân trọng cảm ơn ông!
(thực hiện)