Em Huỳnh Thị Triều Tiên, sinh viên ngành Giáo dục mầm non, Trường ĐH Trà Vinh kiến nghị: “Việc thực hiện Nghị định 116 nên đi đôi với việc phân công công việc cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Như vậy giải quyết được áp lực bồi hoàn chi phí học tập, tạo tâm lý ổn định, yên tâm học tập cho sinh viên, đồng thời tạo động lực để thu hút học sinh thi vào ngành sư phạm”.
Nghị định 116 của Chính phủ, ngoài miễn học phí, sinh viên sư phạm còn được hỗ trợ tiền hàng tháng. Chính sách nhân văn này cũng là giải pháp thiết thực nhằm chăm lo đội ngũ giáo viên tương lai, góp phần tăng sức hút cho ngành sư phạm và nâng cao chất lượng giáo dục. Đầu vào đã mở, đầu ra cho đối tượng này thế nào vẫn là băn khoăn của sinh viên và trường sư phạm.
Theo các giảng viên và sinh viên, đầu vào cao cũng là dấu hiệu đáng mừng, song quan trọng nhất vẫn là giải quyết việc làm trong tương lai cho giáo sinh sau khi ra trường.
Thực hiện Chương trình GDPT mới, các địa phương thiếu giáo viên nhưng đồng lương eo hẹp, áp lực công việc lớn nên thời gian dài khó hút thí sinh đăng ký vào trường sư phạm. Việc giữ chân sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp cũng là bài toán khó.
Để đáp ứng nhu cầu giáo viên Chương trình GDPT mới, Trường Đại học Sài Gòn tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch sử ‐ Địa lý.
Tuy nhiên, số lượng người theo học chưa nhiều, cụ thể năm 2019 dù có 30 chỉ tiêu nhưng ngành Sư phạm Lịch sử ‐ Địa lý chỉ có 9 sinh viên; ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên: 26 sinh viên. Ngành Sư phạm Mỹ thuật mỗi năm tuyển 30 chỉ tiêu nhưng năm 2019 chỉ có 5 thí sinh trúng tuyển nhập học; năm 2020 có 11 sinh viên…
Chia sẻ về việc các trường phổ thông khó tuyển giáo viên, ông Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều sinh viên ra trường không “mặn mà” với việc đi dạy, một phần do thu nhập thấp, chưa thu hút.
Đặc biệt, ngành Tin học và Anh văn rất khó tuyển giáo viên dù hằng năm trường vẫn đào tạo; tuy nhiên sau khi ra trường, ngoài đi dạy, các em có rất nhiều cơ hội việc làm khác với mức lương cao hơn. Mỗi năm, trường chỉ đào tạo khoảng 40 chỉ tiêu ngành Sư phạm Ngoại ngữ và 30 chỉ tiêu Sư phạm Tin học, nhưng chưa chắc ra trường các em có đi làm giáo viên hay không.
Theo ông Tuấn, trước khó khăn trong tuyển dụng giáo viên Tin học và tiếng Anh ‐ đây là 2 ngành học đặc thù, trường vẫn đào tạo nhưng sinh viên ra trường cơ hội việc làm ngoài ngành nhiều, thu nhập cao. Vì thế, cũng nên xem xét tính đặc thù của ngành nghề để có những giải pháp phù hợp.
Với sinh viên, yêu thích ngành học là một chuyện, điều các em quan tâm hơn là sau khi ra trường có việc làm và thu nhập ổn định hay không? Em Trần Thy Trúc, sinh viên ngành Giáo dục mầm non, Trường Đại học Trà Vinh chia sẻ: “Nghị định 116 được ban hành chúng em rất mừng, nhưng vẫn lo lắng về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp. Bởi vì chúng em sẽ đối mặt với những ràng buộc nhất định, không phải sinh viên sư phạm nào ra trường cũng có việc làm đúng chuyên môn. Thực tế cho thấy chính sách này gặp nhiều hạn chế khi gặp tình trạng nguồn cung nhiều hơn nhu cầu”.