Trên đỉnh kim tự tháp giáo dục đại học là các viện đại học nghiên cứu, ở vị trí trung tâm là các viện đại học giảng dạy, phần đáy của kim tự tháp giáo dục đại học là các trường cao đẳng cộng đồng, trường cao đẳng chuyên nghiệp và dạy nghề”, PGS Nguyễn Thiện Tống nói.
Các viện đại học đa lĩnh vực loại nghiên cứu ở đỉnh kim tự tháp, theo PGS Nguyễn Thiện Tống chính là nơi thu hút để tập trung nhiều giáo sư, sinh viên giỏi, tập trung vào nghiên cứu khoa học và có số lượng sinh viên đào tạo trên đại học bằng hay nhiều hơn số sinh viên đại học. Đồng thời, cần đưa các viện nghiên cứu rải rác các nơi về tập trung vào các đại học nghiên cứu đa lĩnh vực để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nhất là về các lĩnh vực liên ngành.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài tại các đại học nghiên cứu, PGS Nguyễn Thiện Tống cho rằng việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nên thực hiện toàn thời gian. Ngoài ra, cần có học bổng tương đương như lương cho những nghiên cứu sinh này để họ vừa nghiên cứu vừa tham gia làm trợ giảng trong trường đại học.
Hiện nay, có nhiều chương trình học bổng đại học của các tổ chức không vì lợi nhuận, nhưng chỉ có tư nhân tham gia. Trên cơ sở đó, PGS Nguyễn Thiện Tống đưa ra sáng kiến nên có mô hình học bổng loại đối ứng 1 – 1, nghĩa là Nhà nước và tư nhân cùng tham gia, tư nhân ủng hộ 1 triệu đồng thì Nhà nước cũng ủng hộ tương ứng và cùng nhau xét chọn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh để cấp học bổng. Khi có những đại học chất lượng cạnh tranh với nhau, những người tài năng tự khắc tìm đến để học tập, giảng dạy, nghiên cứu, nhất là khi có những học bổng giá trị cho họ.
Trường THPT Năng khiếu (ĐHQG TPHCM) – nơi tạo nguồn sinh viên giỏi cho các trường đại học và tạo nguồn cung cấp thành viên cho các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế. Ảnh: NTCC |
Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra nhiệm vụ chú trọng mời đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành gốc Việt trở về làm việc, tham gia giảng dạy tại Việt Nam.
PGS Nguyễn Thiện Tống khẳng định phải nhanh chóng mời gọi đội ngũ chuyên gia người Việt ở nước ngoài về làm việc tại Việt Nam. “Cần có sự liên kết với các giáo sư quốc tế, mà con đường dễ dàng nhất là thông qua những giáo sư Việt kiều. Các trường đại học ở Việt Nam nên mời các chuyên gia gốc Việt về tham gia công tác đào tạo chứ không dừng lại ở chức danh giáo sư cố vấn hay danh dự. Nhiều chuyên gia gốc Việt muốn về nước để cống hiến không phải vì lý do quyền lợi” - PGS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ.
Một trong những cách để thu hút sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành gốc Việt, theo PGS Nguyễn Thiện Tống là mời họ về Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu trong thời gian nghỉ phép “sabbatical leave”. Trong quy chế nghỉ phép này, sau khoảng thời gian làm việc 5 - 6 năm, một giáo sư có thể nghỉ phép có lương từ 6 đến 12 tháng và dùng thời gian này để làm việc tại một trường đại học khác.
“Để thu hút người tài từ nước ngoài về nước làm việc cần môi trường làm việc tốt, có sự đãi ngộ, không phân biệt trong hay ngoài nước… thì chắc chắn họ sẽ trở về”, PGS Nguyễn Thiện Tống nhận định.
Những năm qua, Trường ĐH Đồng Tháp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thu hút, giữ chân người tài. Trong đó, giải pháp căn cơ, then chốt là “Kiến tạo điều kiện và môi trường làm việc đáp ứng được kỳ vọng của những người giỏi, giảng viên trẻ tài năng”. Với triết lý “Kiến tạo – Chuyên nghiệp – Hội nhập”, trường luôn quan tâm và có những chủ trương, chính sách phù hợp để mỗi cán bộ, giảng viên được ghi nhận, thể hiện và phát triển bản thân thông qua các nhiệm vụ.
Đặc biệt, đợt tuyển dụng viên chức tháng 7/2023, Trường ĐH Đồng Tháp đã dành gần 1 tỷ đồng thu hút tân tiến sĩ. Mỗi viên chức tuyển dụng mới có học vị tiến sĩ theo chính sách thu hút với mức 250 triệu đồng, được bố trí công việc phù hợp và được tạo điều kiện có nhiều cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. - TS Trương Tấn Đạt (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đồng Tháp)