“Dự định sẽ du học Thạc sĩ tại Châu Âu, tuy nhiên thời gian này mình muốn dành thời gian hoàn thành ngành học kép. Sau đó, sẽ xin làm việc tại một vài doanh nghiệp để trau dồi kinh nghiệm và triển khai thêm một số đề tài nghiên cứu khoa học”, Nam bộc bạch.
Cần xác định được mục tiêu
Với các bạn tân sinh viên, lời khuyên để giảm tải áp lực khi mới bước vào môi trường mới, theo Thành Nam đó là: cần xác định được mục tiêu của bản thân. Khi đã xác định được mục tiêu, các bạn sẽ sắp xếp được thời gian một cách hợp lý và tránh được những áp lực không cần thiết.
Chàng thủ khoa ngành Kinh tế tài nguyên cũng cho rằng, môi trường đại học sẽ hoàn toàn khác so với những bậc học dưới. Ở môi trường này thầy, cô giáo chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, vì vậy sinh viên cần phải dành thời gian tự học, tự nghiên cứu nhiều.
Thành Nam bên bạn bè sau buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp dịp cuối tháng 7 vừa qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
“Thời sinh viên ngoài việc học thì những trải nghiệm cũng vô cùng quý giá. Vì vậy, việc học quá nhiều để biến mình thành 'mọt sách' là điều không tốt chút nào. Thay vào đó, các bạn nên tối ưu hóa bằng việc chăm chú nghe thầy, cô giảng bài trên lớp và tăng dần thời gian tự học, tự nghiên cứu.
Nếu có thể, các bạn nên dành từ 1- 2 buổi mỗi tuần để lên thư viện đọc sách. Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều đã xây dựng thư viện điện tử giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với nguồn tài nguyên trong nước cũng như nước ngoài. Vì vậy, các bạn nên chủ động để mở mang kiến thức”, Thành Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thành Nam cho rằng để giảm tải áp lực học hành, các bạn tân sinh viên có thể dành một vài buổi trong tuần để tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoặc đi thực tế hay tham gia vào các câu lạc bộ,… Đây là cơ hội tuyệt vời để giao lưu kết nối, có thêm những mối quan hệ mới…
“Một lời khuyên khá quan trọng nữa, mà theo mình đó là: các bạn tân sinh viên nếu có thể nên chú trọng học ngoại ngữ. Bởi vì, ở trong thế giới ngày càng hội nhập và phát triển, việc học ngoại ngữ cũng trở nên khá quan trọng nhưng không phải là để chứng tỏ mình với ai, mà là để tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài nguyên của thế giới”, Thành Nam lý giải.
“Cuộc sống thì chắc hẳn ai cũng có ước mơ và hoài bão. Với bản thân mình, sau khi học xong Thạc sĩ, mình mong muốn được trở về Việt Nam. Cũng hy vọng rằng, bản thân sẽ nỗ lực để góp sức một phần cho quê hương ngày càng phát triển, giúp cho thế hệ tương lai sau này có được môi trường sống tốt để tiếp tục học và cống hiến”, Thành Nam chia sẻ.