Giáo dục

Thu nhập của đội ngũ giáo viên, nhân viên trường học: Địa phương vào cuộc

26/08/2024 10:53

Để nhà giáo và đội ngũ nhân viên trường học yên tâm làm việc, nhiều địa phương có chính sách thu hút và hỗ trợ.

Sự vào cuộc của địa phương bước đầu giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Gỡ khó bằng chính sách

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Hậu Giang thiếu gần 1.200 giáo viên các cấp học, đặc biệt giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh và Tin học. Theo sở GD&ĐT, công tác tuyển dụng giáo viên tại tỉnh trong các năm qua không đạt chỉ tiêu, còn 636 biên chế chưa sử dụng.

Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Tiêu chuẩn người dự tuyển phải theo Luật Giáo dục năm 2019; tình trạng giáo viên nghỉ/chuyển sang công việc khác có thu nhập cao. Tính từ năm 2020 đến nay, Hậu Giang có 260 giáo viên nghỉ việc. Tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục trầm trọng khi số trẻ mầm non đến trường hằng năm tăng…

Trước những khó khăn của ngành Giáo dục, từ tháng 7/2022, HĐND tỉnh Hậu Giang ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh và Tin học. Theo đó, giáo viên giảng dạy các môn nói trên được tuyển dụng hoặc chuyển công tác từ ngoài tỉnh về cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 50 triệu đồng. Mức hỗ trợ này trả một lần và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và các chi phí khác.

Cùng đó, giáo viên nhận hỗ trợ phải thực hiện cam kết giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh 5 năm kể từ ngày tuyển dụng hoặc chuyển công tác từ ngoài tỉnh về… Chính sách thu hút góp phần thu hút đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn sâu, đáp ứng nhu cầu giáo viên giảng dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật tại cơ sở giáo dục công lập, đồng thời là cơ sở để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, nhờ chính sách này, trong năm qua, sở GD&ĐT đã thu hút được 66 giáo viên đảm nhận 4 môn học này.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực GD-ĐT đưa ra nhiều chương trình mục tiêu như: Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được đào tạo để đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định; tập trung các giải pháp, chính sách thu hút giáo viên…

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng cho biết thêm, tỉnh đã quan tâm, kịp thời ban hành các nghị quyết, chính sách đặc thù riêng cho ngành GD-ĐT để thu hút nguồn nhân lực nói chung, hỗ trợ điều kiện để ngành tuyển đủ giáo viên thời gian tới. Đây chính là những thuận lợi để ngành tích cực nỗ lực vượt khó, từng bước giải bài toán thiếu giáo viên.

Tại TPHCM, ngoài lương và các khoản phụ cấp, giáo viên, người lao động còn có khoản thu nhập tăng thêm theo chính sách đặc thù của thành phố. Khoản chi này không cào bằng nên tạo động lực cho đội ngũ công viên chức, người lao động phấn đấu.

Từ năm 2022, chị Lê Thị Hường trở thành viên chức của Trường Tiểu học Nguyễn Minh Quang (TP Thủ Đức, TPHCM) với chức trách là nhân viên y tế trường học. Cũng từ đây cuộc sống của gia đình chị đỡ cực hơn. Bởi trước đó, chị có hơn 8 năm là nhân viên y tế diện hợp đồng tại một trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức, ngoài tiền lương chị không có khoản nào thêm. Đã không ít lần chị có ý định xin nghỉ để kiếm công việc khác nhưng rồi vì tình yêu nghề, yêu trẻ nên chị tiếp tục công việc của mình.

“Chồng chạy xe Grab, 3 con đều đang tuổi học nên khoảng 3 năm về trước cuộc sống gia đình rất vất vả. May mắn khi được tuyển dụng và trở thành viên chức, với chính sách đặc thù của thành phố, mỗi quý tôi đều có thêm một khoản tiền thu nhập tăng thêm để trang trải sinh hoạt gia đình. Tất nhiên khoản tiền này cũng tùy vào xếp loại viên chức, nếu quý nào tôi được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được nhận khoảng 18 triệu đồng”, chị Hường cho hay.

chinh quyen vao cuoc 1.jpg
Cán bộ, giáo viên mầm non tỉnh Tiền Giang tham gia tập huấn nâng cao năng lực. Ảnh: X. Uyên

Ưu tiên cho vùng khó

Trước tình trạng thiếu giáo viên nhiều năm liền, đặc biệt thiếu giáo viên ở vùng sâu xa, tháng 12/2022, HĐND tỉnh Tiền Giang ban hành Nghị quyết 21/2022 quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo viên mới giảng dạy môn học trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng của tỉnh.

Theo Nghị quyết này, có 95 trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khó tuyển dụng giáo viên. Ngoài ra, 6 địa phương cấp huyện, thành phố trên địa bàn còn 7 trường khó tuyển dụng giáo viên các môn học.

Để thu hút đội ngũ giáo viên, tỉnh Tiền Giang có chính sách hỗ trợ, đối với giáo viên mầm non mới tuyển dụng công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập khó tuyển dụng được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy.

Còn viên chức quản lý, giáo viên công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập tại các trường học mầm non khó tuyển dụng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng quản lý. Đối với giáo viên mới tuyển dụng giảng dạy các môn học khó tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập sẽ được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, qua rà soát hiện toàn tỉnh thiếu khoảng 900 giáo viên, chủ yếu ở cấp mầm non, tiểu học và các môn xã hội, bộ môn mới theo Chương trình GDPT 2018. Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2020, sở GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị để thông tin về nhu cầu giáo viên của ngành. Qua tuyên truyền và rà soát, số sinh viên có hộ khẩu tại Tiền Giang đang học các ngành Sư phạm tại Tiền Giang và cơ sở đào tạo khác khoảng 1.473 em.

Theo ông Lê Quang Trí, sở GD&ĐT đã có công văn yêu cầu UBND cấp huyện dựa trên thông tin đơn vị cung cấp tổ chức rà soát và chủ động thông tin nhu cầu giáo viên các bậc học và bộ môn của địa phương đến sinh viên các cơ sở đào tạo giáo viên. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên mới tuyển dụng; tổ chức tuyển dụng giáo viên nhiều đợt/năm theo lịch tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục.

Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang, trên cơ sở biên chế do UBND tỉnh giao, sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành, thị đã giao 17.919 biên chế cho các cơ sở giáo dục. Tính đến tháng 3/2024, có 16.531 biên chế có mặt trong các cơ sở giáo dục. Như vậy, số lượng biên chế chưa sử dụng là 1.388. Nguyên nhân số lượng biên chế chưa sử dụng còn cao do tuyển dụng không đủ chỉ tiêu thông báo, một số vị trí không có người đăng ký dự tuyển, biến động biên chế do nghỉ hưu, nghỉ việc…

Theo kế hoạch, tỉnh Hậu Giang sẽ tuyển 184 giáo viên giảng dạy các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Với số lượng giáo viên này, tỉnh dành kinh phí hơn 9 tỷ đồng hỗ trợ nếu tuyển dụng đủ. “Về lâu dài, ngành sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các chính sách thu hút giáo viên”, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng nói.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thu-nhap-cua-doi-ngu-giao-vien-nhan-vien-truong-hoc-dia-phuong-vao-cuoc-post697253.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thu-nhap-cua-doi-ngu-giao-vien-nhan-vien-truong-hoc-dia-phuong-vao-cuoc-post697253.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu nhập của đội ngũ giáo viên, nhân viên trường học: Địa phương vào cuộc