Mỗi năm, gia đình cô Luo chi hơn 250.000 NDT (822 triệu đồng) thuê gia sư cho 2 con, chưa kể chi phí khác. "Con càng lớn càng tốn nhiều, vì giá tăng theo từng bậc học", cô Luo chia sẻ. Cụ thể, một buổi học thêm kéo dài 2 tiếng, cô phải trả 350 NDT (1,1 triệu đồng), nếu một kèm một là 800 NDT (2,6 triệu đồng).
"Chúng tôi may mắn vì thu nhập không bị ảnh hưởng những năm qua. Nhưng chúng tôi sẽ không đầu tư cho con mù quáng. Suy cho cùng, bây giờ kiếm tiền không dễ dàng", cô Luo nói.
Theo Viện nghiên cứu dân số YuWa, Trung Quốc là một trong những quốc gia nuôi dạy trẻ nhỏ đắt đỏ nhất thế giới. Chi phí nuôi trẻ nhỏ đến 18 tuổi của nước này cao gấp 6,9 lần GDP bình quân đầu người, gấp đôi Đức và gấp ba lần ở Pháp.
Liu, nhân viên một công ty thương mại, nói bản thân và chồng không dám chi quá nhiều tiền cho những thứ khác bởi thu nhập giảm suốt ba năm vì đại dịch. Thứ duy nhất họ hào phóng là đầu tư cho giáo dục con cái.
Từ tháng 7/2021, Bắc Kinh đã cấm hoạt động dạy thêm, đặc biệt là môn Toán và tiếng Anh, trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng xã hội và khuyến khích người dân "thắt lưng buộc bụng" vì kinh tế tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh đang ngầm phản ứng bằng cách đăng ký các chuyến du học ngắn ngày, thuê gia sư dạy chui với mong muốn con thi đỗ vào những trường tốt nhất.
Suốt ba tháng hè, Luo, phụ huynh ở Thượng Hải vẫn lén đưa con trai đến lớp học thêm mỗi ngày. Tại đây, các giáo viên tiểu học sẽ cho cậu bé học trước các kiến thức mới. "Có vẻ mọi đứa trẻ đều đang học thêm nên tôi không thể để con trai đứng ngoài cuộc. Tôi muốn thằng bé phải nổi trội nhất lớp trên mọi phương diện", Luo nói. "Kiếm tiền ở thời điểm hiện tại không dễ dàng nên đầu tư cho con cái là cách đầu tư khôn ngoan nhất", cô cho biết thêm.
Nắm bắt xu hướng, các chuyến trải nghiệm thực tế cho học sinh đang trở thành dịch vụ nở rộ nhất tại Trung Quốc. Báo cáo của công ty trực tuyến lyy.com ở nước này, lượt tìm kiếm cụm từ "chuyến đi học tập" đã tăng 203% trong hai tuần đầu tiên của tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia, dịch vụ giáo dục trở thành khoản đầu tư lớn nhất trong các hộ gia đình. Trong khi nhiều người vẫn tránh né thị trường bất động sản bất ổn và thận trọng mua các mặt hàng xa xỉ như ôtô hay đồ nội thất.
Bian Lu, quản lý một công ty chuyên cung cấp các khóa dạy tư duy logic cho trẻ mẫu giáo ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, không nhận thấy nhiều thay đổi trong cách đầu tư về giáo dục, ngay cả khi lệnh cấm học thêm ban hành hay ảnh hưởng của đại dịch.
"Tôi không thấy xu hướng này ngừng lại sau khi Chính phủ kiểm soát. Tôi quan sát, nhu cầu cho con đi học thêm của các gia đình thành thị vẫn tăng cao", cô Bian Lu nói.
"Tầng lớp trung lưu Trung Quốc, bao gồm cả tôi, có thu nhập và địa vị đều nhờ vào việc học. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng giáo dục và hy vọng điều tương tự sẽ đến với thế hệ tiếp", cô nói thêm.
Đồng quan điểm với Bian, Xiong Bingqi, giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 ở Trung Quốc, cho biết hai năm sau lệnh cấm, quy mô thị trường dạy thêm tư nhân giảm đáng kể, nhưng nhu cầu từ các gia đình vẫn tăng. Chuyên gia cũng cũng nhận thấy một số tổ chức trước đây hoạt động hợp pháp, có nộp thuế giờ nay chuyển sang hoạt động ngầm và trốn thuế.
"Khi nhu cầu đầu tư cho giáo dục vẫn còn, các lệnh cấm không bao giờ được thực thi triệt để", ông Xiong Bingqi bày tỏ.