Thu nhập ổn định, nghỉ phép dài, nghề giáo ở Hàn Quốc vẫn mất sức hút

17/02/2023, 14:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo Korea Times, tỷ lệ cạnh tranh vào trường sư phạm tại Hàn Quốc đang giảm dần sau 5 năm bất chấp đây là một nghề được nhiều người coi trọng tại quốc gia này.

Tỷ lệ sinh thấp, thiếu học sinh, chính sách hạn chế quyền hạn của giáo viên là những lý do khiến nghề giáo không còn phổ biến tại Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times.

Ở Hàn Quốc, dù giáo viên được đảm bảo thu nhập ổn định cho đến khi nghỉ hưu và có số ngày nghỉ phép nhiều hơn so với nhân viên văn phòng bình thường, nghề này lại dần trở thành nghề ít được người trẻ chọn theo đuổi.

Tỷ lệ chọi để vào một trường đại học sư phạm tại Hàn Quốc đã giảm trong các năm gần đây. Đặc biệt, tỷ lệ này trong năm nay đã đạt mức thấp nhất trong 5 năm.

Theo đó, tỷ lệ chọi trung bình của 13 trường đại học sư phạm và khoa Giáo dục tiểu học do nhà nước điều hành trong năm này là 2:1, đạt mức thấp nhất trong 5 năm qua, theo Jongro Academy. Tỷ lệ chọi của 6 trường đại học giáo dục công lập tại hàn Quốc thậm chí có tỷ lệ thấp hơn 2:1, trong đó tỷ lệ thấp nhất là 1,4:1.

Không chỉ vậy, ngày càng có nhiều sinh viên ngành sư phạm hoặc giáo dục chọn bỏ ngành để theo ngành nghề khác.

Theo số liệu từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc, năm 2021, tổng cộng 232 sinh viên các trường đại học sư phạm công lập đã nghỉ học, chiếm 6% trong tổng số sinh viên theo học các ngành giáo dục. Đặc biệt, tại các trường đại học sư phạm ở Gongju và Seoul, cứ 10 sinh viên năm nhất thì có một người bỏ học.

Nhiều lý do khiến việc giảng dạy dần trở thành một nghề ít hấp dẫn. Lý do đầu tiên là tỷ lệ sinh ngày càng giảm dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng học sinh trong vòng vài năm. Năm 2022, tỷ suất sinh của hàn Quốc là 0,79, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp tỷ suất sinh dưới mức một.

Trên thực tế, số lượng học sinh tại Hàn Quốc cũng đang giảm dần. Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục nước này, số học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc là 5,27 triệu vào năm 2022, giảm so với 5,72 triệu vào năm 2017. Một số trường học phải đóng cửa vì thiếu học sinh dù ở trong khu vực đô thị đông dân cư của Seoul.

Ngoài ra, điều kiện làm việc không tốt cũng là một nguyên do khác khiến nhiều người bỏ nghề giáo. Không giống như trước đây, khi giáo viên rất được học sinh và phụ huynh kính trọng, ngày càng có nhiều giáo viên bị học sinh bạo hành thể chất hoặc lời nói.

Kể từ khi nhà nước cấm cấm giáo viên trừng phạt thân thể học sinh vào năm 2011, số trường hợp giáo viên đã phàn nàn về các trường hợp bị học sinh lăng mạ và bắt nạt ngày càng tăng. Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc với sự tham gia của 8.431 giáo viên, 55,8% trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xử lý những học sinh gây rối trong lớp học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu nhập ổn định, nghỉ phép dài, nghề giáo ở Hàn Quốc vẫn mất sức hút