Thụ tinh nhân tạo với thụ tinh trong ống nghiệm khác nhau ở điểm nào?

Quang Vũ, | 17/12/2023, 20:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên được sinh ra vào năm 1978, hơn 5 triệu trẻ em đã được sinh ra nhờ kỹ thuật này. Tuy vậy, hiện vẫn có rất nhiều nhầm lẫn xung quanh 2 kỹ thuật: thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh ống nghiệm (IVF)

Theo bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú (Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh - TP. HCM), sự nhầm lẫn này xuất phát từ quan niệm các cặp vợ chồng "không thể mang thai tự nhiên", mà cần sự can thiệp của con người, nên gọi là "thụ tinh nhân tạo".

Thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm đều là phương pháp hỗ trợ sinh sản dành cho người hiếm muộn. Tuy nhiên, chúng có sự khác biệt vô cùng lớn về quá trình thực hiện, chi phí, tỷ lệ thành công…

Thụ tinh nhân tạo khác gì với thụ tinh trong ống nghiệm? - Ảnh 1.

Người mẹ hiếm muộn 43 tuổi và em bé chào đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại IVF Tâm Anh (Ảnh: Hoài Thương)

Thụ tinh nhân tạo (IUI)

Thụ tinh nhân tạo (IUI - viết tắt của Intrauterine Insemination) là phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Quy trình thụ tinh nhân tạo gồm 5 bước:

Bước 1: Thăm khám ban đầu, kiểm tra sức khỏe hai vợ chồng

Bước 2: Kích thích buồng trứng

Bước 3: Lấy và lọc rửa mẫu tinh trùng

Bước 4: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung

Bước 5: Thử thai

Với kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (IUI), người chồng sẽ xuất tinh, sau đó tinh trùng được lọc rửa trong lab. Những tinh trùng khỏe nhất được lựa chọn để bơm vào buồng tử cung của người vợ ở thời điểm rụng trứng. "Đây là cách rút ngắn quãng đường tinh trùng gặp trứng để thụ tinh", bác sĩ Tú giải thích.

Ưu điểm của kỹ thuật thụ tinh nhân tạo là đơn giản, dễ thực hiện, chi phí điều trị thấp, tỷ lệ thành công dao động khoảng 20-25%. Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp: vô sinh không rõ nguyên nhân, người vợ mắc bệnh lý lạc nội mạc tử cung, vô sinh ở nam giới, vô sinh nữ liên quan đến cổ tử cung hoặc chu kỳ rụng trứng, người vợ dị ứng với tinh dịch, mẹ đơn thân…

Thụ tinh nhân tạo khác gì với thụ tinh trong ống nghiệm? - Ảnh 2.

Người phụ nữ được tiêm thuốc kích trứng trước khi IUI/IF (Ảnh: BVCC)

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF - viết tắt của In vitro fertilization), là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phổ biến hiện nay, với ưu điểm tỷ lệ thành công cao. Một chu kỳ TTTON thường bao gồm các bước sau:

Bước 1: Kích thích buồng trứng (KTBT)

Bước 2: Chọc hút noãn

Bước 3: Chuẩn bị tinh trùng

Bước 4: TTTON và nuôi cấy phôi

Bước 5: Chuyển phôi

Bước 6: Hỗ trợ hoàng thể sau chuyển phôi

Sau khi đã tiến hành đầy đủ các xét nghiệm và thủ tục cần thiết, người phụ nữ được dùng thuốc kích thích buồng trứng nhằm tăng số lượng noãn thu được khi chọc hút. Bác sĩ dùng kim chuyên dụng hút dịch nang (bao gồm noãn) ra ngoài cơ thể người phụ nữ để nuôi cấy.

Tinh trùng của người chồng được lọc rửa để thụ tinh tự nhiên với noãn (IVF cổ điển), hoặc một tinh trùng khỏe mạnh sẽ được chọn và tiêm thẳng vào bào tương noãn (kỹ thuật ICSI) tạo thành phôi. Phôi nuôi cấy trong tủ chuyên dụng đến ngày 3 hoặc ngày 5. Những phôi có chất lượng tốt sẽ được chuyển vào buồng tử cung (gọi là chuyển phôi tươi) hoặc trữ lạnh cho chu kỳ chuyển phôi trữ sau này.

Theo bác sĩ Tú, phương pháp IVF mang lại tỷ lệ thành công cao, được chỉ định cho các trường hợp khó do IUI thất bại, hay các bệnh lý nặng như: lạc nội mạc tử cung, dự trữ buồng trứng thấp, u xơ tử cung, tinh trùng ít, tinh trùng dị dạng, vô tinh…

Thụ tinh nhân tạo khác gì với thụ tinh trong ống nghiệm? - Ảnh 3.

ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm IVF Tâm Anh TP.HCM chọc hút noãn cho người bệnh hiếm muộn (Ảnh: BVCC)

Đã có hơn 5 triệu trẻ em đã được sinh ra trên toàn thế giới nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, những em bé sinh ra nhờ kỹ thuật IVF có khả năng phát triển khỏe mạnh tương đương với những em bé được sinh ra một cách tự nhiên.

Để nâng cao tỷ lệ IVF thành công, phòng lab phôi học được ví như trái tim của một trung tâm Hỗ trợ sinh sản và đóng vai trò tiên quyết đối với sự thành công của các phương pháp điều trị thụ tinh ống nghiệm.

Lab phôi học hiện đại bậc nhất tại Việt Nam hiẹn có thể kể tới labo ISO5 có khu vực thao tác nằm tách biệt với khu vực nuôi cấy, tăng khả năng ổn định môi trường xung quanh, giúp phôi và giao tử phát triển tốt nhất. Phôi được nuôi cấy, phát triển trong hệ thống tủ nuôi cấy time-lapse với hệ thống camera ghi nhận toàn bộ quá trình phát triển, phân chia tế bào của phôi. Phần mềm trí tuệ nhân tạo AI là "cánh tay đắc lực" giúp chuyên viên có cơ sở đánh giá chất lượng phôi, cũng như tiên lượng khả năng đậu thai.

Thụ tinh nhân tạo khác gì với thụ tinh trong ống nghiệm? - Ảnh 4.

Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) để thụ tinh trong ống nghiệm tại phòng lab (Ảnh: BVCC)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thụ tinh nhân tạo với thụ tinh trong ống nghiệm khác nhau ở điểm nào?