“Trong địa phương các thí sinh cùng thi vào một trường thì lúc đó chúng ta quan tâm đến độ tin cậy, công bằng. Cho nên giữa thi 3 môn hay 4 môn cũng không ảnh hưởng nhiều đến tin cậy, công bằng", ông Sơn nói.
Về ý kiến nhân hệ số 2 điểm môn Văn, Toán không còn phù hợp, thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay chương trình giáo dục phổ thông chú trọng đến việc phát triển toàn diện năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, không có nghĩa như vậy sẽ coi nhẹ các môn văn hóa, đặc biệt các môn quan trọng như toán và văn.
Bộ đã quy định với chương trình phổ thông mới thì không còn tính điểm trung bình, không còn hệ số môn học để ghi vào học bạ.
Tuy nhiên, đối với việc tổ chức thi vào lớp 10, các trường phổ thông, địa phương phải nghiên cứu kỹ tình hình, yêu cầu của các trường. Từ đó có thể đưa ra yêu cầu môn Toán và Văn hệ số 2.
Nếu chỉ với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, việc nhân hệ số cũng có lý do vì nhiều nơi không phải em nào cũng có điều kiện học ngoại ngữ như nhau.
"Do vậy, chọn nhân đôi 2 môn Toán, Văn cũng có căn cứ. Mặt khác cũng có thể xem như yêu cầu đầu vào vì trong quá trình học phổ thông, có thể 2 môn này yêu cầu kiến thức nền tảng quan trọng hơn nên phải học tốt hơn. Địa phương có thể cân nhắc việc này, đặc biệt đối với các trường chuyên", Thứ trưởng Sơn giải thích.